|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain) là gì? Lợi ích đối với doanh nghiệp

16:39 | 26/11/2019
Chia sẻ
Chuỗi cung ứng xanh (tiếng Anh: Green Supply Chain) có thể được định nghĩa là quá trình sử dụng đầu vào thân thiện với môi trường và biến các sản phẩm phụ của quá trình sử dụng thành thứ có thể cải thiện được.
green_supply_chain-1

Hình minh hoạ (Nguồn: ewmfg)

Chuỗi cung ứng xanh

Khái niệm

Chuỗi cung ứng xanh trong tiếng Anh được gọi là Green Supply Chain.

Trong những năm gần đây, cụm từ "chuỗi cung ứng xanh" được nhắc đến ngày càng nhiều. Liên quan đến nó, nhiều thuật ngữ đã được sử dụng như "chuỗi cung ứng bền vững", "chuỗi cung ứng xanh bền vững", "chuỗi cung ứng môi trường", "chuỗi cung ứng sinh thái"...

Chuỗi cung ứng xanh có thể được định nghĩa là quá trình sử dụng đầu vào thân thiện với môi trường và biến các sản phẩm phụ của quá trình sử dụng thành thứ có thể cải thiện được hoặc tái chế được trong môi trường hiện tại. 

Quá trình này giúp cho các sản phẩm đầu ra và các sản phẩm phụ có thể được tái sử dụng khi kết thúc vòng đời của chúng, và như vậy tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững. 

Toàn bộ ý tưởng về chuỗi cung ứng bền vững là để giảm chi phí và thân thiện với môi trường (Theo Pen eld, 2008).

Ý nghĩa và vai trò của chuỗi cung ứng xanh đối với doanh nghiệp

- Lợi ích đầu tiên của chuỗi cung ứng xanh là về hiệu quả sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần và vận tải thực hiện các mô hình chuỗi cung ứng xanh đều có những cải thiện trong việc giảm thiểu năng lượng và chất thải cũng như giảm bao bì đóng gói trong phân phối (Industries Canada, 2008). 

Các doanh nghiệp phải tuân thủ tất cả các qui định về môi trường và pháp luật. Đối với bất kì tổ chức quốc tế nào, việc mở rộng và tăng thêm qui định mới có thể gây ra khó khăn cho chính bản thân doanh nghiệp. 

Nhưng các qui định đã được đưa ra và họ phải thực hiện nếu muốn tiếp tục kinh doanh. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra một chuỗi cung ứng linh hoạt và thích ứng có thể phản ứng một cách nhanh chóng và tốn ít nguồn lực nhất.

- Bên cạnh đó, thực hiện chuỗi cung ứng xanh cũng giúp đem lại các lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng hiện tại đã trở nên rất chủ động trong việc đưa các tiêu chí xanh vào quá trình lựa chọn sản phẩm của họ, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp bán lẻ và ô tô. 

Xanh hóa tất cả các bộ phận sẽ giúp doanh nghiệp định hướng được giá trị trong thương hiệu - và chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong đó.

Lợi ích của việc xanh hóa chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp là:

+ Tiết kiệm chi phí hoạt động do giảm chất thải

+ Giảm chi phí y tế và chi phí an toàn

+ Chi phí lao động thấp hơn - điều kiện làm việc tốt hơn có thể làm tăng động lực và năng suất, và giảm sự cần thiết của nhân viên hậu cần

+ Giảm chi phí vận chuyển, năng lượng, nhiên liệu

+ Giảm sự phụ thuộc vào biến động giá của các nguồn tài nguyên

+ Tăng tính tuân thủ các qui định

+ Khi có các hoạt động xanh hơn sẽ giúp nâng cao danh tiếng trong mắt các nhà cung cấp và khách hàng, chưa kể đến các nhà đầu tư

+ Tăng doanh thu do mối quan hệ tốt hơn với khách hàng - cải thiện chuỗi cung ứng tự động hóa làm tăng giá trị hợp đồng

Tiêu chí đánh giá

Chuỗi cung ứng xanh về cơ bản là chuỗi sản phẩm đảm bảo được hai phương châm và ba tiêu chí hay được gọi tắt là Mô hình 2E-3R. 

Trong đó, 

Hai phương châm là: 

(1) Hiệu quả (Efficiency): Giảm đầu vào (tiết kiệm tài nguyên đầu vào và tiết kiệm năng lượng); 

(2) Thân thiện môi trường trong cả chuỗi sản phẩm (Environment-friendly chain). 

Ba tiêu chí là: 

(1) Thực hiện sử dụng lại phế phẩm (Reuse) trong sản xuất và lưu thông phân phối; 

(2) Tái chế rác thải trong sản xuất và lưu thông phân phối (Recycling); 

(3) Giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường (Reduction) trong sản xuất và lưu thông phân phối.

(Tài liệu tham khảo: Chuỗi cung ứng xanh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Diệu Nhi