Chức năng phân phối và tái phân phối thu nhập (Distribution function) của tài chính công là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: intraway)
Chức năng phân phối và tái phân phối thu nhập của tài chính công
Khái niệm
Phân phối và tái phân phối thu nhập trong tiếng Anh được gọi là Distribution function.
Chức năng phân phối và tái phân phối thu nhập của tài chính công là khả năng khách quan của tài chính công mà nhờ vào đó tài chính công được sử dụng vào việc phân phối và phân phối lại các nguồn tài chính trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong phân phối và hưởng thụ kết quả của sản xuất xã hội.
Trong chức năng này, chủ thể phân phối là nhà nước chủ yếu trên tư cách là người có quyền lực chính trị, còn đối tượng phân phối là các nguồn tài chính đã thuộc sở hữu nhà nước hoặc đang là thu nhập của các pháp nhân và thể nhân trong xã hội mà nhà nước tham gia điều tiết.
Công bằng trong phân phối biểu hiện trên 2 khía cạnh là công bằng về mặt kinh tế và công bằng về mặt xã hội. Như đã biết, công bằng về kinh tế là yêu cầu nội tại của nền kinh tế thị trường.
Do giá cả thị trường quyết định mà việc đưa các yếu tố vào (chi tiêu) và việc thu nhận các yếu tố (thu nhập) là tương xứng với nhau, nó được thực hiện theo sự trao đổi ngang giá trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Chẳng hạn, việc phân phối vật phẩm tiêu dùng cá nhân được thực hiện theo nguyên tắc phân phối theo lao động, trong đó, cá nhân bằng việc bỏ ra lao động mà có được thu nhập, nhưng thu nhập mà họ nhận được (thù lao cho lao động) là tương xứng với số lượng và chất lượng lao động mà họ bỏ ra. Đó là sự công bằng về kinh tế.
Công bằng xã hội là yêu cầu của xã hội trong việc duy trì sự chênh lệch về thu nhập trong mức độ và phạm vi hợp lí thích ứng với từng giai đoạn mà xã hội có thể chấp nhận được.
Trong lĩnh vực này, tài chính công, đặc biệt là Ngân sách Nhà nước, được sử dụng làm công cụ để điều chỉnh lại thu nhập mà các chủ thể trong xã hội đang nắm giữ.
Sự điều chỉnh này được thực hiện theo hai hướng là điều tiết bớt các thu nhập cao và hỗ trợ các thu nhập thấp.
Tái phân phối thu nhập trở thành một đòi hỏi khách quan của xã hội. Kết quả của việc thực hiện chức năng này của tài chính công chính là nhờ vào nó có thể điều chỉnh để có được một khoảng cách hợp lí về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư nhằm hướng tới mục tiêu công bằng xã hội cho mọi thành viên xã hội.
Khác với chức năng phân bổ nguồn lực, chức năng tái phân phối thu nhập của tài chính công được đề cập với sự quan tâm nhiều hơn tới khía cạnh xã hội của sự phân phối.
Tuy nhiên, vấn đề được đăt ra ở đây là cần nhận thức và xử lí hợp lí mối quan hệ giữa mục tiêu công bằng và mục tiêu hiệu quả của kinh tế vĩ mô.
Trong nhiều trường hợp, để đạt tới mục tiêu công bằng, sự phân phối lại làm tổn hại tới mục tiêu hiệu quả.
Chẳng hạn: một sự đánh thuế quá cao vào thu nhập sẽ hạn chế tác dụng thúc đẩy tăng tiết kiệm và tăng đầu tư của tư nhân, đồng thời, có thể dẫn đến hiện tượng tìm cách trốn thuế tức là làm giảm tính hiệu quả của việc thu thuế do tình trạng quá tải của thuế mang lại.
(Tài liệu tham khảo: Quản lí tài chính công, 2012, Đại học Thuỷ Lợi)