|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Đánh giá tác động chính sách (Policy Impact Assessments) là gì? Nội dung và lợi ích

16:12 | 10/12/2019
Chia sẻ
Đánh giá tác động chính sách (tiếng Anh: Policy Impact Assessments) được xem là một công việc nhằm tìm ra những lí do dẫn đến sự thay đổi gắn trực tiếp với những tác động từ chính sách.
unsw-be-research-policy_2

Hình minh hoạ (Nguồn: newsroom)

Đánh giá tác động chính sách

Khái niệm

Đánh giá tác động chính sách trong tiếng Anh được gọi là Policy Impact Assessments.

Đánh giá tác động chính sách được xem là một công việc nhằm tìm ra những do dẫn đến sự thay đổi gắn trực tiếp với những tác động từ chính sách. 

Hiểu một cách đơn giản, đó là một sự so sánh kết quả đầu ra giữa việc có chính sách và không có chính sách. 

Việc so sánh này cũng không phải là một phép trừ đơn giản của hai tình huống trên, bởi không có chính sách thì đầu ra cũng không phải nguyên trạng như lúc ban đầu mà có sự thay đổi từ các tác động khác. 

Sự thay đổi do các tác động khác trong trường hợp không có chính sách lại không nhìn thấy được bởi đối tượng được tác động thực tế là đã có chính sách. 

Vì vậy phải tìm một mẫu so sánh đối chứng (comparison group) phù hợp để so sánh với nhóm được hưởng tác động của chính sách (treatment group).

Nội dung đánh giá

Khi đánh giá tác động đầy đủ cần quan tâm đến ba nội dung:

- Đánh giá nhu cầu: xác định mục tiêu chính sách, đối tượng mục tiêu, nhu cầu cần thiết phải có chính sách...

- Đánh giá qui trình: việc đánh giá nhằm xác định chính sách đã được triển khai thế nào trong thực tế. Với cùng một chính sách áp dụng chung cho nhiều vùng, có thể mỗi địa phương có cách triển khai khác nhau dẫn đến những tác động khác nhau.

- Đánh giá tác động: đánh giá nhằm xác định liệu chính sách có tạo ra tác động mong đợi đối với các đối tượng mục tiêu, các hộ gia đình, các thể chế, các đối tượng thụ hưởng của chính sách. Những tác động này là nhờ chương trình hay nhờ yếu tố khác.

Lợi ích

Đánh giá tác động có thể giúp:

- Định lượng được những tác động của một chính sách tới lợi ích của đối tượng hưởng lợi. 

Ví dụ: một mô hình phát triển sản xuất mới có giúp tăng thu nhập không, một khoản hỗ trợ làm nhà mới có giúp người dân cải thiện được sức khoẻ không.

- So sánh những lợi ích đạt được của các nhóm hưởng lợi khác nhau

Ví dụ: có thể so sánh kết quả thi của nhóm học sinh nam và học sinh nữ khi cùng được hỗ trợ bởi một chương trình đào tạo mới.

- Kiểm chứng và đưa ra các lựa chọn thay thế

Ví dụ: kiểm chứng kết quả giảm nghèo nhờ trợ cấp tiền hay nhờ đầu tư khoa học công nghệ.

(Tài liệu tham khảo: Đánh giá tác động của các chính sách xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, TS. Hoàng Vũ Quang, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn)

Diệu Nhi