|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chủ nghĩa trọng thương (Mercantilism) là gì? Mối quan hệ với tự do thương mại

14:01 | 04/09/2019
Chia sẻ
Chủ nghĩa trọng thương (tiếng Anh: Mercantilism) là một học thuyết kinh tế lớn từng có sức ảnh hưởng quan trọng trong kinh tế chính trị quốc tế và việc hoạch định chính sách kinh tế ở nhiều quốc gia.
1*DnLt6-B30Ou6HbDd3oK3HQ

Hình minh hoạ. Nguồn: medium.com

Chủ nghĩa trọng thương

Khái niệm

Chủ nghĩa trọng thương trong tiếng Anh là Mercantilism.

Chủ nghĩa trọng thương là một hệ thống kinh tế thương mại tồn tại từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 18. Chủ nghĩa trọng thương dựa trên nguyên tắc là của cải của thế giới không biến động, và do đó, nhiều quốc gia châu Âu đã cố gắng tích lũy của cải thế giới bằng cách tối đa hóa hoạt động xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu thông qua thuế quan.

Lịch sử của chủ nghĩa trọng thương

Chủ nghĩa trọng thương được phổ biến trong thế kỉ 16, dựa trên ý tưởng rằng cách tốt nhất để đạt được sự giàu có và quyền lực cho một quốc gia là tăng xuất khẩu để thu thập các kim loại quí như vàng và bạc.

Dưới chủ nghĩa trọng thương, các quốc gia thường xuyên sử dụng sức mạnh quân sự để đảm bảo thị trường địa phương và các nguồn cung được bảo vệ, ủng hộ ý tưởng cho rằng nền kinh tế của một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vốn. 

Những người ủng hộ chủ nghĩa trọng thương cũng tin rằng sức khỏe kinh tế của một quốc gia có thể được đánh giá bằng khối lượng kim loại quí sở hữu như vàng hoặc bạc, và sẽ mạnh lên với việc gia tăng xây dựng, tăng sản lượng nông nghiệp và sở hữu những đội tàu buôn mạnh để cung cấp cho các thị trường mới hàng hóa và nguyên liệu thô.

Chủ nghĩa trọng thương và Chủ nghĩa đế quốc

Các chính phủ theo chủ nghĩa trọng thương thao túng nền kinh tế của các quốc gia khác để tạo ra cán cân thương mại có lợi cho nước mình. 

Chủ nghĩa đế quốc sử dụng sự kết hợp giữa lực lượng quân sự và nhập cư hàng loạt để cưỡng ép việc du nhập chủ nghĩa trọng thương vào các khu vực kém phát triển, nhằm làm cho cư dân bản địa tuân theo luật pháp của quốc gia thống trị. 

Một trong những ví dụ nổi bật nhất về mối quan hệ giữa chủ nghĩa trọng thương và chủ nghĩa đế quốc là việc Anh thành lập các thuộc địa ở Mỹ. 

Chủ nghĩa trọng thương và Thương mại tự do

Thương mại tự do mang lại một số lợi thế khác biệt cho các cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia. 

Trong một hệ thống thương mại tự do, các cá nhân được hưởng lợi từ sự lựa chọn nhiều hơn về hàng hóa giá cả phải chăng, trong khi chủ nghĩa trọng thương hạn chế nhập khẩu và giảm các lựa chọn có sẵn cho người tiêu dùng, đồng nghĩa với ít cạnh tranh và giá cả hàng hoá cao hơn.

Trong khi các nước theo chủ nghĩa trọng thương gần như phải liên tục tham gia vào chiến tranh để giành các nguồn lực, các quốc gia theo hệ thống thương mại tự do có thể phát triển thịnh vượng bằng cách thiết lập các mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi.

Ngày nay, chủ nghĩa trọng thương được coi là lỗi thời. Tuy nhiên, rào cản thương mại vẫn tồn tại để bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương. Ví dụ, sau Thế chiến II, Mỹ đã áp dụng chính sách thương mại bảo hộ đối với Nhật Bản và hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ.

(Theo: investopedia.com)