|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cân đối ngân sách nhà nước (Government Budget Balance) là gì? Nguyên tắc quản lí

10:10 | 13/01/2020
Chia sẻ
Cân đối ngân sách nhà nước (tiếng Anh: Government Budget Balance) phản ánh nguồn lực tài chính mà Nhà nước có thể chi phối trực tiếp.
Cân đối ngân sách nhà nước (State Budget Balance) là gì? Nguyên tắc quản lí cân đối ngân sách nhà nước - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: tapchitaichinh.vn)

Cân đối ngân sách nhà nước

Khái niệm

Cân đối ngân sách nhà nước trong tiếng Anh là Government Budget Balance.

Cân đối ngân sách nhà nước là quan hệ cân bằng giữa thu và chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Cân đối ngân sách nhà nước phản ánh nguồn lực tài chính mà Nhà nước có thể chi phối trực tiếp. Về thực chất thể hiện sự cân đối tài chính trong khuôn khổ tài chính Nhà nước, có đặc tính kế hoạch pháp lệnh. 

Cân đối nhà nước là một trong các nội dung cơ bản nhất của nền tài chính quốc gia và là điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự ổn định lành mạnh cho nền tài chính quốc gia.

Cân đối ngân sách nhà nước phải được xác lập ngay từ khi lập dự toán ngân sách nhà nước, đồng thời phải xác lập cân đối thu chi trong quá trình chấp hành ngân sách. Các khoản chi chỉ được phép thực hiện khi đã có đủ nguồn thu bù đắp.

Cân đối ngân sách nhà nước thể hiện mối quan hệ tương đương về lượng và sự bằng nhau giữa hai con số, nhưng đó chưa phải là cân đối thực sự, mà cân đối còn được thể hiện ở việc bố trí cơ cấu và quan hệ số lượng giữa các yếu tố cơ cấu ngân sách nhà nước.

Cân đối ngân sách nhà nước thể hiện khi tổng số thu ngân sách nhà nước bằng tổng số chi ngân sách nhà nước. Khi tổng số thu lớn hơn tổng số chi ngân sách nhà nước thì xuất hiện tình trạng bội thu ngân sách nhà nước. 

Ngược lại, khi tổng số thu nhỏ hơn tổng số chi thì xuất hiện tình trạng bội chi ngân sách nhà nước. Thâm hụt ngân sách nhà nước là hiện tượng phổ biến của các quốc gia trên thế giới.

Nguyên tắc quản lí cân đối ngân sách nhà nước

Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, cân đối ngân sách nhà nước được thực hiện theo các qui tắc sau:

• Tổng số thu từ thuế, phí và lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích lũy ngày càng cao vào chi đầu tư và phát triển, tiến tới cân bằng thu chi ngân sách nhà nước.

• Trong trường hợp có bội chi ngân sách nhà nước thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển.

• Bội chi ngân sách nhà nước được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước. Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ sử dụng cho mục đích phát triển và đảm bảo bố trí ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn.

• Ngân sách địa phương được cân đối theo nguyên tắc tổng số chi không được vượt quá tổng số thu. 

Trong trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh đảm bảo, thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch 5 năm đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng lại vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh năm dự toán thì được phép huy động vốn trong nước và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh hàng năm để chủ động trả hết nợ khi đến hạn.

Mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.

(Tài liệu tham khảo: Quản lí Tài chính công ở Việt Nam, NXB Tài chính)

Đức Nhượng