|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Trừng phạt kinh tế (Economic Sanctions) là gì?

09:06 | 18/10/2019
Chia sẻ
Trừng phạt kinh tế (tiếng Anh: Economic Sanctions) là cấm vận song phương hay đa phương đối với việc hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và tư bản do một nước nào đó khởi xướng.
20170805_EUD001_0

Hình minh họa. Nguồn: Peter Schrank

Trừng phạt kinh tế (Economic Sanctions)

Định nghĩa

Trừng phạt kinh tế trong tiếng Anh là Economic SanctionsTrừng phạt kinh tế là cấm vận song phương hay đa phương đối với việc hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và tư bản do một nước nào đó khởi xướng.

Trừng phạt kinh tế là việc một hoặc một nhóm các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng các biện pháp kinh tế và tài chính nhằm gây nên phí tổn cho quốc gia bị trừng phạt, qua đó gây sức ép buộc quốc gia đó thực hiện những chính sách nhất định.

Mục đích của trừng phạt kinh tế

- Biện pháp trừng phạt kinh tế được sử dụng để tăng sức ép chính trị mà một nước hay cộng đồng quốc tế áp đặt lên một nước nào đó, nhằm buộc nước bị cấm vận thay đổi chính sách kinh tế, chính sách chính trị của mình.

Ví dụ về trừng phạt kinh tế

Liên minh Châu Âu đã từng đe dọa áp thuế nhập khẩu cao đối với các hàng hóa Mỹ nhập vào Châu Âu nhằm buộc chính phủ Mỹ giảm các khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất thép nước này, vốn mang lại những lợi thế bất bình đẳng cho các nhà sản xuất thép Mỹ so với các nhà sản xuất thép Châu Âu.

Trong khi đó, Mỹ và các nước phương Tây cũng áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế với một loạt nước như Cuba, Iran, Myanmar… nhằm làm suy yếu chính quyền các nước này hoặc buộc họ tiến hành các thay đổi trong chính sách đối nội hoặc đối ngoại theo hướng nhất định.

Một số hình thức trừng phạt kinh tế

Trừng phạt kinh tế có thể được thực hiện theo nhiều cách. Bao gồm:

- Thuế quan (Tariffs): Là loại thuế đánh lên hàng nhập khẩu (hoặc xuất khẩu).

- Hạn ngạch (Quota): Giới hạn số lượng hàng hóa có thể được nhập khẩu từ một quốc gia hoặc xuất khẩu sang quốc gia đó.

- Cấm vận (Embargoes): Một hạn chế thương mại ngăn cản một quốc gia giao dịch với một quốc gia khác. Ví dụ, Chính phủ một quốc gia có thể ngăn công dân hoặc doanh nghiệp của mình cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ cho quốc gia khác.

- Hàng rào phi thuế quan (Non tariff barriers): Đây là những hạn chế phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, có thể bao gồm các yêu cầu cấp phép và đóng gói, tiêu chuẩn sản phẩm và các yêu cầu khác không phải là thuế.

- Đóng băng hoặc thu giữ tài sản: Hình thức này ngăn không cho tài sản thuộc sở hữu của một quốc gia hoặc cá nhân bị bán hoặc chuyển đi. (Theo How Economic Sanctions Work, Investopedia)

(Tài liệu tham khảo: Từ điển Kinh tế học, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp, Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế)

Minh Lan