Tình trạng thường xuyên vắng mặt (Absenteeism) là gì?
Hình minh họa. Nguồn: ibimapublishing.com
Tình trạng thường xuyên vắng mặt
Khái niệm
Tình trạng thường xuyên vắng mặt trong tiếng Anh là Absenteeism.
Tình trạng thường xuyên vắng mặt là việc một nhân viên thường xuyên không đến nơi làm việc. Tình trạng này hay tái diễn và vượt quá số ngày nghỉ được coi là chấp nhận được đối với những lí do chính đáng như các kì nghỉ theo kế hoạch, nghỉ ốm và các sự kiện gia đình khẩn cấp.
Các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng vắng mặt quá mức bao gồm sự bất mãn trong công việc, các vấn đề cá nhân và các vấn đề y tế mãn tính. Bất kể nguyên nhân là gì, một công nhân thường xuyên vắng mặt có thể sẽ tự hủy hoại uy tín của mình và có thể sẽ không được công ty tiếp tục thuê trong lâu dài.
Tuy nhiên, một số hình thức vắng mặt tại nơi làm việc được pháp luật bảo vệ và chủ lao động không thể lấy đó làm lí do để sa thải nhân công.
Các công ty đều biết rằng nhân viên của họ sẽ nghỉ làm vài ngày trong năm vì một số lí do chính đáng. Tuy nhiên, việc nhân viên vắng mặtsẽ trở thành vấn đề đối với công ty khi tình trạng này diễn ra liên tục và / hoặc bất ngờ, đặc biệt là nếu nhân viên đó vẫn phải được trả lương trong khi anh ta hoặc cô ta vắng mặt.
Tình trạng thường xuyên vắng mặt cũng sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng nếu một nhân viên nghỉ trong thời điểm bận rộn trong năm, hoặc khi thời hạn cuối cùng cho các dự án lớn đang đến gần.
Dù nghỉ phép vì lí do sức khỏe, thực hiện nghĩa vụ bồi thẩm đoàn và tuân thủ các ngày lễ tôn giáo đều là những lí do được bảo vệ về mặt pháp lí để nghỉ việc, một số nhân viên lạm dụng các luật này, làm cho chủ doanh nghiệp phải hứng chịu những chi phí và tổn thất không cân bằng.
Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng thường xuyên vắng mặt
Kiệt sức: Những nhân viên làm việc quá sức với những công việc phải chịu áp lực cao đôi khi phải nghỉ ốm do quá căng thẳng và cho thấy đóng góp của bản thân không được coi trọng đủ.
Quấy rối: Các nhân viên thường xuyên bị bắt nạt bởi quản lí hoặc đồng nghiệp có khả năng cao là sẽ trốn việc, để thoát khỏi sự khó chịu dai dẳng.
Chăm sóc trẻ em hoặc người cao tuổi: Nhân viên có thể phải bỏ lỡ nhiều ngày làm việc nếu họ buộc phải chăm sóc người thân khi người trông trẻ hoặc người giúp đỡ được thuê có việc bận và tạm thời không thể đi làm.
Bệnh tâm thần: Trầm cảm là nguyên nhân chính của tình trạng thường xuyên vắng mặt của người Mỹ, theo thống kê của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia.
Chấn thương hoặc bệnh tật: Bệnh tật, thương tích và các cuộc hẹn với bác sĩ là những lý do chính khiến nhân viên không đi làm. Số trường hợp vắng mặt tăng đáng kể trong mùa cúm.
Chán nản: Những nhân viên cảm thấy không hài lòng về công việc của họ có khả năng trốn việc chỉ đơn giản là do thiếu động lực.
Chẳng hạn, Angela không hài lòng với môi trường làm việc và trách nhiệm công việc của mình. Cô thường xuyên báo ốm để xin nghỉ nhiều ngày, thường là 5 ngày mỗi tháng, mặc dù cô không có bất kì vấn đề gì về sức khỏe.
(Theo investopedia)