Năng suất lao động xã hội (Social Labor Productivity) là gì?
Năng suất lao động xã hội
Khái niệm
Năng suất lao động xã hội trong tiếng Anh là social labor productivity.
Năng suất lao động xã hội là mức năng suất tính cho tất cả nguồn lực của một doanh nghiệp hay toàn xã hội, được đo bằng số đơn vị sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp hoặc xã hội tạo ra trên một đơn vị lao động sống và lao động quá khứ đã hao phí để sản xuất ra số đơn vị sản phẩm đầu ra đó.
Trong năng suất lao động xã hội có cả sự tiêu hao của lao động sống và lao động quá khứ: tiêu hao lao động sống là sức lực của con người bỏ ra ngay trong quá trình sản xuất, kinh doanh; còn tiêu hao lao động quá khứ là sự tiêu hao sản phẩm của lao động sống đã được vật hóa trong các giai đoạn, các quá trình sản xuất, kinh doanh trước kia (biểu hiện ở giá trị máy móc, thiết bị; công cụ, dụng cụ nhỏ và nguyên vật liệu).
Do vậy, khi nói đến hao phí lao động sống là nói đến năng suất lao động cá nhân, còn hao phí đồng thời cả lao động sống và lao động quá khứ sẽ tạo ra năng suất lao động xã hội.
Mối quan hệ giữa năng suất lao động xã hội và năng suất lao động cá nhân
Giữa năng suất lao động cá nhân và năng suất lao động xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Năng suất lao động cá nhân là tiền đề cho năng suất lao động xã hội. Song hai loại năng suất lao động này không phải bao giờ cũng thuận chiều với nhau, biểu hiện ở chỗ:
- Khi cả hai loại năng suất lao động này đều tăng thì đây là mối quan hệ thuận chiều (năng suất lao động cá nhân liên quan đến thu nhập của người lao động, còn năng suất lao động xã hội phản ánh lợi ích của doanh nghiệp, hai loại năng suất này đều tăng thì lợi ích của hai chủ thể cùng tăng)
- Khi năng suất lao động cá nhân tăng còn năng suất lao động xã hội không tăng hoặc giảm thì đây là mối quan hệ ngược chiều (lợi ích của doanh nghiệp và người lao động không thống nhất với nhau: người lao động vì muốn tăng năng suất lao động nhằm tăng thu nhập nên đã sử dụng máy móc thiết bị không hợp lí, lãng phí nguyên vật liệu, coi nhẹ chất lượng sản phẩm,... sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, lượng tồn kho tăng, giá bán hạ,... làm giảm lợi ích của doanh nghiệp).
Như vậy, muốn cho hai loại năng suất lao động này thuận chiều với nhau thì quan hệ giữa lao động sống và lao động quá khứ phải thường xuyên có sự thay đổi: phải đảm bảo sao cho tốc độ tăng của lao động quá khứ nhanh hơn so với tốc độ giảm của lao động sống.
Muốn vậy, phải thường xuyên nâng cao trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp, và ngược lại; có biện pháp khuyến khích và kỉ luật nghiêm ngặt nhằm gắn lợi ích của người lao động với lợi ích của doanh nghiệp; tạo động lực để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và tuần thủ các kỉ luật trong lao động sản xuất, kinh doanh.
(Theo Giáo trình Thống kê doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)