Kích thích lao động (Employee Stimulation) là gì? Các lí luận và biện pháp kích thích chủ yếu
Hình minh họa (Nguồn: pivotalsolution.com)
Kích thích lao động (Employee Stimulation)
Kích thích lao động trong tiếng Anh là Employee Stimulation.
Kích thích lao động là một tập hợp các biện pháp quản trị nhằm phát hiện nhu cầu lợi ích và động cơ làm việc của người lao động cũng như nhằm xây dựng, phát triển và hướng dẫn động cơ ấy với mục đích kích thích và động viên người lao động thực hiện tốt mục tiêu của doanh nghiệp, đồng thời cũng để thoả mãn thích đáng mục tiêu cá nhân của chính người lao động.
Lí luận tiền đề cho phương pháp động viên kích thích
a) Trường phái thứ nhất cho rằng: những nhu cầu tự có bên trong mỗi con người lao động chính là những cơ sở của động viên kích thích, hay nói cách khác, nhu cầu bên trong là động lực của hành động. Nhu cầu của con người có các bậc từ thấp đến cao được diễn tả bằng cái gọi là tháp nhu cầu.
Các bậc nhu cầu như nhu cầu về sinh lí, nhu cầu về an ninh, nhu cầu về xã hội, nhu cầu về danh dự, nhu cầu về tự phát triển và tự thực hiện. Như vậy, theo trường phái này cơ sở của kích thích là có sẵn nằm ở bên trong con người.
b) Trường phái thứ hai cho rằng: các nhân tố kích thích của môi trường bên ngoài đóng vai trò chính trong việc động viên con người. Con người làm việc không phải thuần túy chỉ do nhu cầu mà còn do niềm vui và do các hoài bão dẫn dắt, con người không phải chỉ làm việc để sống và còn phải quan niệm cao hơn là sống để làm việc.
c) Trường phái kết hợp các nhân tố bên trong và bên ngoài: trong thực tế, trường phái này là hợp lí hơn cả.
Các biện pháp kích thích chủ yếu
Trong thực tế, thường dùng các biện pháp kích thích động viên chủ yếu sau:
a) Biện pháp kích thích dựa trên lợi ích vật chất, nhất là hệ thống lương, thưởng và phúc lợi xã hội.
b) Biện pháp kích thích dựa trên các giá trị tinh thần, nhất là các biện pháp giáo dục dưới các hình thức khác nhau, biện pháp thi đua, phong trào người tốt việc tốt...
c) Biện pháp về tâm lí: Ở đây, cần chú ý các loại tâm lí sau:
- Tâm lí cá nhân: gồm các yếu tố như nhu cầu của cá nhân về vật chất và tinh thần, động cơ lợi ích, ý chí và tình cảm lao động, lòng tin đối với tập thể và lãnh đạo doanh nghiệp, thói quen và các sở thích...
- Tâm lí tập thể: gồm các yếu tố như bầu không khí của tập thể lao động, sự lan truyền tâm lí trong tập thể, dư luận xã hội đối với doanh nghiệp, truyền thống, các yếu tố tiềm tàng của xung đột lợi ích...
- Tâm lí của cán bộ lãnh đạo: gồm các yếu tố như động cơ lợi ích của người lãnh đạo, ý chí lãnh đạo, triết lí kinh doanh của lãnh đạo, tình cảm của người lãnh đạo đối với tập thể lao động, các cá tính đặc trưng và thói quen của lãnh đạo.
Trong các tâm lí kể trên, sự hài lòng của người lao động là quan trọng nhất.
d) Biện pháp về lập kế hoạch xã hội nằm trong kế hoạch chung của doanh nghiệp: Kế hoạch xã hội bao gồm chủ yếu các biện pháp về chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động của doanh nghiệp.
e) Biện pháp duy trì thường xuyên phong trào thi đua lao động sản xuất.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản lí nhà nước về Kinh tế và Quản trị kinh doanh trong xây dựng, NXB Xây Dựng)