|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thuế chống trợ cấp (Countervailing duties) là gì? Xác định hàng hóa được trợ cấp

16:03 | 25/09/2019
Chia sẻ
Thuế chống trợ cấp hay (tiếng Anh: Countervailing duties) còn gọi là Thuế đối kháng là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam.
Untitled

Thuế chống trợ cấp

Khái niệm

Thuế chống trợ cấp (hay Thuế đối kháng) trong tiếng Anh là Countervailing duties.

Thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

(Tài liệu tham khảo: Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu)

Điều kiện áp dụng thuế chống trợ cấp

- Hàng hóa nhập khẩu được xác định có trợ cấp theo qui định pháp luật;

- Hàng hóa nhập khẩu là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Nguyên tắc áp dụng thuế chống trợ cấp

- Thuế chống trợ cấp chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lí nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước

- Việc áp dụng thuế chống trợ cấp được thực hiện khi đã tiến hành điều tra và phải căn cứ vào kết luận điều tra theo qui định của pháp luật

- Thuế chống trợ cấp được áp dụng đối với hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam

- Việc áp dụng thuế chống trợ cấp không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.

Thời hạn áp dụng thuế chống trợ cấp

Thời hạn áp dụng thuế chống trợ cấp không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống trợ cấp có thể được gia hạn.

(Tài liệu tham khảo: Điều 13 Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu)

Xác định hàng hóa được trợ cấp và tính toán thiệt hại để áp thuế chống trợ cấp

Thuế chống trợ cấp là biện pháp chống trợ cấp (còn gọi là biện pháp đối kháng) nhằm vào các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài được trợ cấp (thông qua thủ tục điều tra chống trợ cấp do nước nhập khẩu tiến hành và thuế trợ cấp, nếu có, áp dụng đối với nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài) chứ không nhằm vào chính phủ nước ngoài đã thực hiện việc trợ cấp (WTO qui định các cơ chế xử lí khác mang tính đa phương cho trường hợp này).

Xác định hàng hóa được trợ cấp

Để xác định hàng hoá nhập khẩu có được trợ cấp hay không, cơ quan điều tra nước nhập khẩu sẽ tiến hành tính toán mức trợ cấp của hàng hoá đó. Phương pháp tính toán chi tiết tuân thủ pháp luật của nước điều tra về vấn đề này, nhưng về cơ bản việc tính toán sẽ theo nguyên tắc sau đây của WTO:

- Nếu Nhà nước cho doanh nghiệp vay một khoản với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất thương mại bình thường cho khoản vay tương tự: Mức trợ cấp được tính là phần chênh lệch giữa hai mức lãi suất này; 

- Nếu Nhà nước bảo lãnh vay với phí bảo lãnh thấp hơn chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho khoản vay thương mại tương tự nếu không có bảo lãnh của Nhà nước: Mức trợ cấp sẽ được tính là phần chênh lệch giữa hai mức này; 

- Nếu Nhà nước mua hoặc cung cấp hàng hoá, dịch vụ với giá mua cao hơn mức hợp lí hoặc giá cung cấp thấp hơn mức hợp lí (xác định theo các điều kiện thị trường của hàng hoá/dịch vụ liên quan): mức trợ cấp là mức chênh lệnh giá.

Biên độ trợ cấp được tính theo phần trăm mức trợ cấp trên trị giá hàng hoá.

Tính toán thiệt hại

Việc xác định "thiệt hại" là một bước không thể thiếu trong một vụ điều tra chống trợ cấp và chỉ khi kết luận điều tra khẳng định có thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu thì nước nhập khẩu mới có thể xem xét việc áp dụng các biện pháp chống trợ cấp.

Về hình thức, các thiệt hại này có thể tồn tại dưới hai dạng: thiệt hại thực tế, hoặc nguy cơ thiệt hại (nguy cơ rất gần); Về mức độ, các thiệt hại này phải ở mức đáng kể; Về phương pháp, các thiệt hại thực tế được xem xét trên cơ sở phân tích tất cả các yếu tố có liên quan đến thực trạng của ngành sản xuất nội địa (ví dụ tỉ lệ và mức tăng lượng nhập khẩu, thị phần của sản phẩm nhập khẩu, thay đổi về doanh số, sản lượng, năng suất, nhân công…)

(Tài liệu tham khảo: Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp)

TH