|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin) là gì? Hồ sơ đề nghị cấp C/O

18:18 | 20/09/2019
Chia sẻ
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (tiếng Anh: Certificate of Origin) là giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
giay-chung-nhan-xuat-xu-hang-hoa

Hình minh họa (Nguồn: giadinhxuatnhapkhau.com)

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin)

Khái niệm

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong tiếng Anh là Certificate of Origin; viết tắt là C/O.

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin) là giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp để xác nhận hàng hóa do nước đó sản xuất ra và phân phối trên thị trường xuất khẩu theo qui tắc xuất xứ.

C/O là một chứng từ quan trọng trong xuất nhập khẩu. Nó cho biết nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa được sản xuất tại vùng lãnh thổ, hay quốc gia nào.

Các mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ

Có nhiều loại C/O. Để có thể được hưởng ưu đãi thuế quan thì người khai hải quan cần lựa chọn các form C/O phù hợp với từng lô hàng cụ thể (loại hàng gì, đi/đến từ nước nào,...)

Hiện phổ biến có những loại C/O sau đây:

+ C/O mẫu A (Mẫu C/O ưu đãi dùng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam) 

+ C/O mẫu B (Mẫu C/O không ưu đãi dùng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam) 

+ C/O mẫu D (dùng cho các nước trong khối ASEAN) 

+ C/O mẫu E (ASEAN - Trung Quốc)

+ C/O mẫu EAV (Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á – Âu)

+ C/O mẫu AK (ASEAN - Hàn Quốc)

+ C/O mẫu KV (Việt Nam - Hàn Quốc)

+ C/O mẫu AJ (ASEAN - Nhật Bản)

+ C/O mẫu VJ (Việt nam - Nhật Bản)

+ C/O mẫu AI (ASEAN - Ấn Độ)

+ C/O mẫu AANZ (ASEAN - Australia - New Zealand)

+ C/O mẫu VC (Việt Nam - Chile)

+ C/O mẫu S (Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia)

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Hải quan cơ bản, Học viện Tài chính)

co-from-d

C/O form D

Hồ sơ đề nghị cấp C/O

Căn cứ vào Điều 6 Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, hồ sơ đề nghị cấp C/O bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp C/O (Phụ lục 10) đã được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ;

b) Mẫu C/O (Phụ lục 7) đã được khai hoàn chỉnh;

c) Tờ khai hải quan xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan (các trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo Tờ khai hải quan xuất khẩu theo qui định của pháp luật sẽ không phải nộp Tờ khai hải quan xuất khẩu);

d) Hoá đơn thương mại;

đ) Vận tải đơn;

Trong trường hợp chưa có Tờ khai hải quan xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan và vận tải đơn (hoặc chứng từ tương đương vận tải đơn), người đề nghị cấp C/O có thể được nợ các chứng từ này nhưng không quá mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày được cấp C/O.

2. Nếu xét thấy cần thiết, tổ chức cấp C/O có thể yêu cầu người đề nghị cấp C/O cung cấp thêm các chứng từ liên quan đến sản phẩm xuất khẩu như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu; giấy phép xuất khẩu (nếu có); hợp đồng mua bán; hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước; v.v...

3. Các loại giấy tờ qui định tại các điểm c, d, đ của khoản 1 và qui định tại khoản 2 có thể là bản sao có chữ kí và đóng dấu xác nhận sao y bản chính của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của đơn vị hay tổ chức, hoặc có chữ kí và đóng dấu của cơ quan công chứng, đồng thời có kèm theo bản chính để đối chiếu.

4. Đối với các thương nhân tham gia eCOSys, người được ủy quyền kí Đơn đề nghị cấp C/O sẽ kê khai các dữ liệu qua hệ thống eCOSys, kí điện tử và truyền tự động tới Tổ chức cấp C/O. Sau khi kiểm tra hồ sơ trên hệ thống eCOSys, nếu chấp thuận cấp C/O, Tổ chức cấp C/O sẽ thông báo qua hệ thống eCOSys cho thương nhân đến nộp hồ sơ đầy đủ bằng giấy cho Tổ chức cấp C/O để đối chiếu trước khi cấp C/O. (Tài liệu tham khảo: Quyết định số 44/2008/QĐ-BCT Bộ Công Thương)

T.H