Kinh doanh theo chuỗi (Business Chain) là gì? Ưu, nhược điểm
Hình minh họa. Nguồn: DS Menu
Kinh doanh theo chuỗi
Khái niệm
Kinh doanh theo chuỗi trong tiếng Anh là business chain.
Kinh doanh theo chuỗi là quá trình một chủ thể kinh doanh đầu tư các nguồn lực vào một hình thức phân phối, theo đó sở hữu và quản lí tập trung một nhóm các cửa hàng/điểm bán lẻ khác nhau, bao gồm cả cửa hàng/điểm bán lẻ hàng hóa hữu hình và cửa hàng/điểm bán lẻ dịch vụ.
Phân loại kinh doanh theo chuỗi
Theo sản phẩm kinh doanh
- Chuỗi kinh doanh/bán lẻ hàng hóa
- Chuỗi kinh doanh/bản lẻ dịch vụ
Theo lượng dịch vụ cung cấp trong chuỗi
- Chuỗi cửa hàng bán lẻ tự phục vụ
- Chuỗi cửa hàng bán lẻ cung cấp dịch vụ hạn chế
- Chuỗi cửa hàng bán lẻ cung cấp dịch vụ đầy đủ
Theo dòng sản phẩm cung ứng
- Chuỗi cửa hàng chuyên biệt
- Chuỗi cửa hàng tiện lợi
- Chuỗi cửa hàng bách hóa
- Chuỗi siêu thị
- Chuỗi trung tâm thương mại
Theo phương thức tổ chức kinh doanh
- Chuỗi cửa hàng thông thường (Regular Chain) là hệ thống cửa hàng chuỗi do một doanh nghiệp sở hữu.
- Chuỗi tự nguyện (Voluntary Chain) bao gồm một loạt các nhà bán lẻ độc lập kinh doanh cùng một mặt hàng/nhóm hàng hoặc cùng một lĩnh vực kinh doanh tự nguyện liên kết với nhau để thực hiên các hoạt động trong quá trình kinh doanh nhằm đạt được lợi thế kinh tế nhờ qui mô.
- Hợp tác xã của nhà bán lẻ
- Nhượng quyền thương mại
Theo phương thức bán hàng
- Chuỗi cửa hàng truyền thống
- Chuỗi cửa hàng hiện đại
Đặc điểm của kinh doanh theo chuỗi
- Một hệ thống kinh doanh theo chuỗi gồm từ hai hay nhiều hơn cửa hàng được sở hữu và quản lí tập trung. Với sự sắp xếp như vậy, một hệ thống thường có một trụ sở trung tâm được kết nối với hệ thống cửa hàng bán lè và/hoặc chi nhánh tọa lạc rộng khắp thị trường. Một trong những đặc điểm quan trọng của hệ thống kinh doanh theo chuỗi là kinh doanh một mặt hàng hoặc một nhóm mặt hàng.
- Các phần tử trong chuỗi có thể hội nhập theo chiều ngang, nghĩa là với việc thêm một cửa hàng mới thì toàn bộ hệ thống lại tiếp cận thêm một nhóm khách hàng mới.
- Các phần tử trong chuỗi cũng hội nhập theo chiều dọc thông qua việc duy trì các trung tâm phân phối nơi họ có thể mua từ các nhà sản xuất, dự trữ hàng hóa và từ đó phân phối cho các cửa hàng trong hệ thống.
Lợi thế của hệ thống kinh doanh theo chuỗi
- Giá cả bán ra cho khách hàng thông thường là thấp hơn so với các cửa hàng bán lẻ độc lập, do vậy thu hút khách hơn và có lợi thế cạnh tranh về giá
- Giảm chi phí quảng cáo
- Khả năng phân tán rủi ro trong hoạt động kinh doanh
- Linh hoạt trong quá trình vận hành
- Giảm thiểu nguy cơ rủi ro về nợ xấu cũng như rủi ro về quản lí tài chính
- Hệ thống kinh doanh theo chuỗi thực hiện các hoạt động giao dịch trực tiếp, không qua trung gian nên các dòng vận động trong kinh doanh vận động thẳng và nhanh, mang lại hiệu quả quản trị cao.
- Có nhiều lợi thế trong hoạt động dịch vụ khách hàng và chăm sóc khách hàng sau bán
- Nếu một cửa hàng nào đó hoạt động không hiệu quả và phải đóng cửa, sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực lớn lắm đến khả năng sinh lời của toàn hệ thống bởi cách thức tính toán các chỉ tiêu tài chính của từng cửa hàng tách riêng.
Bất lợi của kinh doanh theo chuỗi
- Không cung cấp được cho khách hàng sự lựa chọn đa dạng và chủng loại sản phẩm hàng hóa/dịch vụ do hệ thống thường chỉ tập trung chuyên môn hóa một nhóm hoặc một chủng loại sản phẩm.
- Thiếu sự tương tác có tính chất cá nhân với khách hàng.
- Nếu hệ thống có quá nhiều chi nhánh/cửa hàng, sẽ tạo áp lực lớn cho công tác quản lí một cách hiệu quả với yêu cầu đảm bảo tính tiêu chuẩn hóa cao.
- Quản lí của từng cửa hàng có quyền lực hạn chế và thiếu tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động.
- Do tính chất mua hàng và dự trữ tập trung, nguy cơ "dự trữ chết" khá cao do nhà cung cấp khó có khả năng điều chỉnh chủng loại, số lượng, chất lượng...sản phẩm theo yêu cầu kinh doanh một cách nhanh chóng và đồng thời cho toàn bộ hệ thống.
(Theo Giáo trình Kinh doanh thương mại, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)