Facebook, Google,.... đối mặt 'Ngày tận thế' khi một quyết định quan trọng của EU sắp được công bố
Một trong những cơ quan giám sát quyền riêng tư hàng đầu của khu vực EU chuẩn bị đưa ra quyết định có thể làm tê liệt các luồng dữ liệu xuyên Đại Tây Dương và gây rủi ro tới doanh thu hàng tỷ USD cho các gã khổng lồ công nghệ của nước Mỹ, theo South China Morning Post.
Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu của Ireland, cơ quan đặt ra các quy định với những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon ở nước này, sẽ sớm xem xét tính hợp pháp của cái gọi là các điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn (SCC) được sử dụng bởi Meta, Google và nhiều công ty khác nhằm chuyển nhượng hợp pháp dữ liệu người dùng đến Mỹ để xử lý.
Các chuyên gia về quyền riêng tư cho biết quyết định sắp xảy ra có thể loại bỏ một trong những lựa chọn còn lại duy nhất cho Facebook và có khả năng là hàng nghìn công ty khác, những đơn vị hoạt động dựa vào việc vận chuyển một lượng lớn dữ liệu thương mại qua Đại Tây Dương.
Chính quyền Ireland đã nghi ngờ tính hợp pháp của SCC theo quan điểm tạm thời, nói rằng họ đã thất bại trong một thử nghiệm quan trọng trong việc bảo vệ công dân châu Âu khỏi con mắt giám sát của các cơ quan Mỹ.
Điều này đã đẩy sự căng thẳng lên một nấc thang mới. Trước đó, trong báo cáo thường niên, Meta (công ty mẹ của Facebook) đã cảnh báo rằng họ sẽ "có khả năng không thể" cung cấp các dịch vụ, bao gồm Facebook và Instagram, ở khu vực EU nếu không thể sử dụng SCC.
Facebook đã tạo ra 8,2 tỷ USD, tương đương 25% doanh thu toàn cầu của mình, ở châu Âu trong quý IV/2021. Trong khi Vương quốc Anh (khu vực đã tách ra khỏi EU) chiếm một phần đáng kể trong số đó và sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết về SCC, những quốc gia còn lại trong khu vực lại là một câu chuyện khác. Khu vực EU cung cấp những dữ liệu quan trọng cho Meta, chỉ sau Mỹ và Canada.
Các công ty công nghệ gặp khó trong việc giải quyết vấn đề
Cách giải quyết vấn đề này không hề dễ dàng. Việc lưu trữ dữ liệu ở châu Âu có thể không khả thi đối với bất kỳ dịch vụ nào dựa trên tương tác của khách hàng trên toàn thế giới, từ trò chơi điện tử đến video phát trực tuyến, vì các quy tắc dữ liệu của khu vực này tuân theo thông tin của một người, bất kể đó là ở đâu.
Mô hình kinh doanh của Meta cũng như Google, dựa vào việc thu thập đủ dữ liệu để phân biệt những gì người dùng có thể quan tâm hoặc muốn mua và truyền tải đến họ những quảng cáo có liên quan. Những công ty công nghệ này đã bị cản trở bởi các quy tắc về quyền riêng tư của EU. Bên cạnh đó, lệnh cấm đối với SCC có thể sẽ khiến mô hình kinh doanh của họ trở nên đắt đỏ và hoạt động kém hiệu quả hơn.
Johannes Caspar, một học giả về quyền riêng tư hàng đầu nước Đức chia sẻ: "Rủi ro chính với các công ty công nghệ ở EU là toàn bộ dữ liệu chuyển đến Mỹ và các dịch vụ khác phụ thuộc vào SCC".
Google đã chỉ ra một bài đăng trên blog vào tháng 1 của Kent Walker, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của công ty, kêu gọi nhanh chóng chấm dứt sự bế tắc về việc thay thế thỏa thuận quyền riêng tư giữa Mỹ và EU đã bị tòa án cấp cao nhất của EU hủy bỏ vào năm 2020 trong một thời gian dài. Các cơ quan thường trực của khu vực này lo ngại rằng dữ liệu của công dân không được an toàn trước sự giám sát từ phía Mỹ.
Walker cho biết: "Doanh thu và lợi nhuận từ khu vực này quá cao. Ngoài ra, mối quan hệ thương mại quốc tế giữa châu Âu và Mỹ quá quan trọng đối với sinh kế của hàng triệu người. Vì vậy, chưa thể tìm ra giải pháp kịp thời cho vấn đề sắp xảy ra này".
Thực tế, cuộc tranh cãi về việc chuyển dữ liệu này đã kéo dài từ năm 2013, khi Edward Snowden tiết lộ các thông tin tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Sau đó, một phán quyết bất ngờ vào năm 2020 của tòa án cao nhất khu vực EU đã lật đổ hệ thống được gọi là "Privacy Shield", một hiệp ước chuyển giao xuyên Đại Tây Dương, do lo ngại về sự giám sát của Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi hệ thống dựa trên hợp đồng riêng biệt được duy trì, thì những nghi ngờ của Tòa án Công lý Liên minh châu Âu về khả năng bảo vệ dữ liệu của Mỹ đã khiến điều này trở thành một giải pháp thay thế không chắc chắn.
Tom De Cordier, luật sư bảo vệ dữ liệu và công nghệ tại CMS DeBacker ở Brussels cho biết: "Nhiều công ty gần như không thể tuân thủ đầy đủ phán quyết của tòa án EU được đưa ra trong năm 2020. Vì vậy, họ thường cố gắng giảm thiểu rủi ro trong việc tuân thủ dữ liệu hơn là cố gắng tuân thủ phán quyết 100%".
Nếu chính quyền Ireland giảm nhẹ ý kiến tạm thời về các điều khoản trong hợp đồng, thì viễn cảnh ngày tận thế cho Meta và công ty công nghệ khác tới từ Thung lũng Silicon đã bắt đầu xuất hiện.
"Quyết định của chính quyền Ireland sắp tới có thể nói sẽ vô cùng quan trọng, có thể khiến tình hình trượt dốc. Các chính trị gia ở Mỹ phải tránh làm cho ngành công nghệ của họ rơi vào tình trạng hỗn loạn", học giả Johannes Caspar nhấn mạnh.