32 tháng siết chặt quy định ngành công nghệ tại Trung Quốc
Cuối năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã khởi xướng một làn sóng siết chặt quy định chống lại các công ty công nghệ lớn của nước này vì lo ngại rằng họ đang trở nên “quá lớn”, theo South China Morning Post.
Làn sóng này đã “thổi bay” hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ Trung Quốc. Các công ty công nghệ Trung Quốc, từng có khả năng cạnh tranh với các đối thủ đến từ Mỹ, giờ đây phải chật vật tìm hướng đi mới.
Dưới đây là những cột mốc quan trọng trong quãng thời gian 32 tháng siết chặt quy định đối với lĩnh vực công nghệ của chính quyền Trung Quốc.
Tháng 11/2020
Đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group đã bị hủy bỏ vào phút cuối, gây ra sự chấn động trên toàn cầu. Đợt IPO đã bị hủy bỏ sau một bài phát biểu gây tranh trước đó của Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba Group Holding.
Cuối tháng, chính quyền Trung Quốc đã triệu tập 27 công ty internet lớn, bao gồm Tencent Holdings, Meituan, ByteDance và Alibaba, yêu cầu họ khắc phục các hành vi kinh doanh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh,…
Cơ quan giám sát chống độc quyền của Trung Quốc, Cục Quản lý Nhà nước về Điều tiết Thị trường (SAMR), đã gấp rút đưa ra chỉ dẫn chống độc quyền nhằm kiềm chế các công ty kinh doanh độc quyền dựa trên internet.
Tháng 12/2020
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã nhấn mạnh tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hàng năm rằng nước này phải ngăn chặn “việc mở rộng vốn ồ ạt”, như một cách để kiềm tỏa quy mô của nhóm Big Tech.
Thông điệp gửi tới các nhà đầu tư và doanh nhân là giai đoạn tăng trưởng “như vũ bão” của ngành công nghiệp internet Trung Quốc đã kết thúc. Cùng tháng, SAMR thông báo rằng họ đã chính thức mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba.
Tháng 4/2021
Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đã phạt Alibaba số tiền kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD), tương đương 4% doanh thu tập đoàn năm 2019, vì lạm dụng “vị trí dẫn đầu thị trường dịch vụ nền tảng bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc kể từ năm 2015”.
Cơ quan chống độc quyền sau đó đã triệu tập 34 công ty công nghệ, bao gồm cả Alibaba, Tencent và Meituan, để họp và yêu cầu họ “chú ý về trường hợp của Alibaba”.
Tháng 7/2021
Nhà quản lý bắt đầu xem xét lại các vụ sáp nhập từ đầu những năm 2000 và phạt Big Tech vì không báo cáo các giao dịch nhất định để phục vụ đánh giá chống độc quyền. Ít nhất 22 khoản phạt, mỗi khoản 500.000 NDT – đối với Alibaba, Tencent và Didi Global đã được ban hành.
Do đó, các thương vụ M&A của Big Tech đã chững lại. Các công ty bắt đầu thoái vốn khỏi các thương vụ đầu tư trước đó để thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) mở cuộc điều tra chưa từng có vào Didi do vi phạm an ninh quốc gia và dữ liệu, chỉ hai ngày sau khi Didi IPO trên sàn chứng khoán New York. Quyết định mở ra một mặt trận mới trong cuộc trấn áp Big Tech, khiến các vụ IPO khác của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ tạm dừng.
Didi bị cấm cho người dùng đăng ký trên ứng dụng chính. Hai tháng sau, Luật an ninh dữ liệu Trung Quốc có hiệu lực.
Tháng 10/2021
Trung Quốc đã phạt gã khổng lồ ngành giao đồ ăn Meituan 3,4 tỷ nhân dân tệ vì “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường” để hoạt động kinh doanh độc quyền. Khoản tiền phạt tương đương với khoảng 3% tổng doanh từ thị trường thu nội địa của Meituan vào năm 2020.
Tháng 1/2022
Đợt siết chặt quy định đối với ngành công nghệ của Trung Quốc bắt đầu lắng xuống khi các nhà chức trách đưa ra chỉ dẫn thúc đẩy “sự phát triển lành mạnh và bền vững” của nền kinh tế dựa trên internet.
Các cơ quan chức năng tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc trấn áp hành động kinh doanh độc quyền, song cũng gửi thông điệp tích cực bằng cách công nhận vai trò của Big Tech trong nền kinh tế và khuyến khích sự phát triển của họ.
Tháng 5/2022
Phó Thủ tướng Liu He nói với một số CEO công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc rằng chính phủ sẽ hỗ trợ sự phát triển của ngành và các đợt IPO, giúp giá cổ phiếu công nghệ có cơ hội tăng trưởng, khiến niềm tin về sự phục hồi của ngành được củng cố.
Tháng 7/2022
CAC đã phạt Didi Global 8 tỷ nhân dân tệ do hành vi vi phạm dữ liệu, chấm dứt cuộc điều tra kéo dài một năm.
Tháng 12/2022
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương tại Bắc Kinh. Cuộc họp kết luận rằng các nền tảng internet sẽ được hỗ trợ để “thể hiện hết khả năng” trong việc thúc đẩy nền kinh tế, tạo ra việc làm và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tháng 1/2023
Didi Global cho biết họ đã tiếp tục đăng ký người dùng mới cho ứng dụng gọi xe sau khi được CAC chấp thuận.
Cùng tháng, Ant Group và 13 công ty khác cho biết họ “về cơ bản đã hoàn thành việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh” dưới sự hướng dẫn và giám sát của các cơ quan quản lý tài chính.
Tháng 7/2023
Khoảng hai năm rưỡi sau đợt IPO bị hủy bỏ của Ant Group, các cơ quan quản lý tài chính đã phạt gã khổng lồ fintech tổng cộng 7,1 tỷ nhân dân tệ vì vi phạm các quy tắc liên quan đến “quản trị doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng”.
Động thái này được các chuyên gia trong ngành coi là dấu chấm hết đợt siết chặt quy định đối với ngành công nghệ của chính phủ Trung Quốc.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/