Tân CEO bí ẩn của Alibaba: Sát cánh với Jack Ma từ ngày đầu, kiến trúc sư trưởng của nhiều dịch vụ đẻ ra tiền
Theo Bloomberg, việc bổ nhiệm Eddie Wu Yongming để thay thế Daniel Zhang đã khiến nhiều nhân sự của công ty không khỏi bất ngờ, dù vị CEO 48 tuổi đã làm việc với Jack Ma từ những ngày đầu của Alibaba. Các nhân viên cho biết họ đã sử dụng mạng nội bộ của công ty và các hồ sơ công khai để tìm hiểu thêm về ông chủ mới có vẻ ngoài điềm tĩnh này.
Vì sao nói Eddie Wu là một ẩn số?
Tân CEO Alibaba khá kín tiếng và hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Nhờ khả năng đưa ra lời khuyên cùng năng lực lãnh đạo, Eddie Wu được đặt biệt danh là “Wu Ma” (Mẹ Wu). Eddie Wu đã đồng hành cùng Jack Ma từ những dự án kinh doanh đầu tiên, ông bị thu hút bởi nhiệt huyết tuổi trẻ và lý tưởng về việc xây dựng các trang web cho các chủ doanh nghiệp nhỏ của Jack Ma.
Năm 1996, sau khi tình cờ đọc được mẩu tin tuyển dụng trên tờ báo địa phương, kỹ sư máy tính Eddie Wu đã tham gia dự án kinh doanh đầu tiên của Jack Ma, có tên là China Yellow Pages.
“Anh chàng này hài hước, cách ăn nói rất lôi cuốn,” - Eddie Wu nhớ lại ấn tượng đầu tiên của ông về sếp tương lai. Từ đó, Eddie Wu trở thành người đồng hành với Jack Ma trong các hoạt động kinh doanh, kể cả việc thành lập Alibaba sau này.
Khi Alibaba phát triển, vai trò của Eddie Wu tại gã khổng lồ thương mại điện tử cũng lớn dần lên. Ông là kiến trúc sư trưởng của các sản phẩm hàng đầu của Alibaba, từ sàn thương mại điện tử (TMĐT) Taobao theo phong cách eBay cho đến trang web bán buôn cùng tên.
Năm 2004, ông thiết kế Alipay - dịch vụ thanh toán trực tuyến được mô phỏng theo PayPal, giúp Trung Quốc loại bỏ tiền mặt. Công nghệ này đã trở nên có giá trị đến mức vào năm 2011, Jack Ma đã tách ra để tạo nên nền tảng của Ant Group.
Tiếp nối thành công, Eddie Wu tiếp tục tạo ra nền tảng quảng cáo của Taobao, Alimama. Hai dịch vụ này nhanh chóng trở thành con gà đẻ trứng vàng của Alibaba trong những năm đầu.
Brian Wong, cựu giám đốc điều hành của Alibaba từng làm việc với Eddie Wu, nói với Bloomberg TV rằng ngoài chuyên môn về công nghệ, ông ấy còn có sự nhạy bén trong kinh doanh.
Chuyên gia công nghệ kiêm nhà đầu tư mạo hiểm
Năm 2015, Eddie Wu thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình, có tên là Vision Plus, sau khi rời khỏi công việc quản lý thường xuyên tại Alibaba. Công ty đầu tư của ông khai thác cái được gọi là “rừng kỳ lân” của Hàng Châu, trong đó họ đầu tư vào hàng loạt công ty khởi nghiệp do các cựu nhân sự Alibaba thành lập.
Một số cái tên trong danh mục đầu tư của Eddie Wu gồm Xiaodian - một công ty cho thuê sạc dự phòng được thành lập bởi cựu giám đốc dịch vụ phong cách sống của Taobao; nhà sản xuất kính thực tế tăng cường Rokid do một kỹ sư của Alibaba thành lập.
Sự cố vạ miệng của Jack Ma với Ant Group kéo theo việc Eddie Wu rời xa tầm mắt của công chúng. Tháng 3/2021, ông xuất hiện trong buổi lễ niêm yết của công ty trong danh mục đầu tư của Vision Plus là Tuya Inc. Công ty này đã huy động được 900 triệu USD trong lần niêm yết hiếm hoi của một công ty công nghệ Trung Quốc giữa thời kỳ kinh tế và pháp lý hỗn loạn.
Việc bổ nhiệm Eddie Wu lãnh đạo Alibaba không phải là không có tin đồn trước đó. Vào tháng 3, khi Daniel Zhang tiến hành tái cơ cấu tập đoàn và các công ty con, Eddie Wu đã được bổ nhiệm làm chủ tịch của các mảng cốt lõi như Taobao và Tmall. Ông cũng đảm nhiệm chức vụ giám đốc bộ phận thương mại quốc tế và dịch vụ địa phương của Alibaba.
Cùng với Joseph Tsai, người hiện là chủ tịch mới của Alibaba, Eddie Wu sẽ tiếp tục công cuộc tái cấu trúc Alibaba. Tuy vậy, nhiều người vẫn sẽ tò mò về hướng đi cho công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của hai nhân vật nói trên.
Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital cho biết: “Eddie Wu được đánh giá cao với các kỹ năng giao dịch đã được chứng minh, đó có lẽ là điều mà Alibaba cần vào thời điểm này. Wu sẽ có thể bước vào vai trò mới của mình mà không có bất kỳ xáo trộn nào, nhưng ông ấy thuộc kiểu lãnh đạo thiếu táo bạo hơn, so với Jack Ma huyền thoại.”