Tái cơ cấu – khởi đầu mới của Alibaba
Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Group Holding mới đây thông báo sẽ chia tách tập đoàn thành 6 đơn vị gồm Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics Group, Global Digital Commerce Group và Digital Media & Entertainment Group. Đây được xem là đợt tái cơ cấu lớn nhất trong lịch sử 24 năm thành lập.
Cuộc cải tổ diễn ra sau khi nhà sáng lập Alibaba, ông Jack Ma, trở về quê hương sau một thời gian ở nước ngoài. Động thái được đánh giá là phù hợp với nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực tư nhân sau hai năm siết chặt quy định quản lý.
Các nhà phân tích cho biết việc chia tách có thể giảm bớt sự giám sát đối với "gã khổng lồ" công nghệ có hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.
Trong một bức thư gửi nhân viên, Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang cho biết mục tiêu của chương trình cải cách là làm cho tập đoàn này trở nên linh hoạt hơn, rút ngắn thời gian ra quyết định và phản ứng nhanh hơn với các diễn biến của thị trường. Ông Daniel Zhang cũng đưa ra kế hoạch cụ thể để chuẩn bị đưa một số đơn vị "lên sàn" trong 18 tháng tới.
Mặc dù quá trình tái cơ cấu trên đánh dấu một trong những cuộc tái cơ cấu quan trọng nhất trong lịch sử của Alibaba nhưng đây không phải là một bước đi hoàn toàn bất ngờ sau khi nhiều công ty Trung Quốc phải thay đổi để thích ứng với thị trường tiêu dùng, sự cạnh tranh quyết liệt và nhu cầu của cổ đông.
Đối thủ của Alibaba là JD.com đã đi theo con đường huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài cho nhiều đơn vị kinh doanh khác nhau và sau đó niêm yết riêng lẻ trên thị trường chứng khoán.
Alibaba cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh riêng của sáu đơn vị kinh doanh "mới" trên trong vài năm qua. Ông Zhang cho biết hai đơn vị gồm điện toán đám mây Cloud Intelligence Group và logistics thông minh Cainiao Smart Logistics Group sẽ là hai trong số các đơn vị sẽ sớm được đưa niêm yết trên sàn chứng khoán, một phần bởi hai đơn vị này đã phục vụ nhiều khách hàng bên thứ ba và có hoạt động kinh doanh tương đối rõ ràng.
Cainiao là đơn vị phát triển nhanh nhất của Alibaba, trong khi điện toán đám mây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Zhang, trước đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư bên ngoài bao gồm các quỹ đầu tư Singapore GIC và Temasek.
Việc tái cơ cấu có thể tạo ra những cơ hội mới để tăng trưởng và phát triển cũng như truyền nhiệt huyết mới trong một tổ chức đã trải qua những khó khăn lớn trong vài năm qua, dù cho điều đó có thể dẫn đến việc số lượng lớn nhân viên có thể bị mất công việc.
Những nhân viên và giám đốc điều hành có năng lực tốt có thể được giữ lại dễ dàng hơn, vì các đơn vị kinh doanh sẽ có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc xây dựng các kế hoạch hoạt động.
Đối với các cơ quan quản lý, việc tái cấu trúc có thể giúp Alibaba ứng phó và thích nghi dễ dàng hơn với các quy định mới và tăng cường giám sát, vì mỗi đơn vị kinh doanh sẽ có hội đồng quản trị riêng, sẽ quản lý sát sao hơn với các vấn đề của đơn vị và có thể giám sát trực tiếp và chịu trách nhiệm cao hơn.
Đối với các cổ đông, tính linh hoạt tăng lên và tiềm năng tăng trưởng đi kèm với việc tái cơ cấu có thể là một điều tích cực, vì điều này có thể mang đến khả năng sinh lời và lợi tức đầu tư cao hơn. Khả năng huy động vốn từ bên ngoài của mỗi đơn vị kinh doanh cũng có thể làm tăng giá trị cổ đông và thị trường cho đến nay vẫn hoan nghênh việc tái cơ cấu.
Bất chấp những rủi ro và thách thức tiềm ẩn, nhìn chung việc tái cơ cấu có khả năng mang lại những lợi ích đáng kể cho Alibaba. Cải thiện sự tập trung và tăng tính linh hoạt có thể giúp đưa ra những quyết định và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
Việc thành lập các nhóm kinh doanh chuyên biệt hơn có thể giúp Alibaba khai thác các thị trường và cơ hội mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp như điện toán đám mây và logistics.
Alibaba không có nhiều lựa chọn trong việc xem xét lại mối quan hệ với các cổ đông quan trọng. Khi tiến hành tái cơ cấu, điều quan trọng với Alibaba là duy trì mối quan hệ bền chặt với các cổ động và vượt qua những thách thức đi kèm với sự thay đổi toàn diện như vậy.
Tuy nhiên, việc tổ chức lại này khó có thể là quyết định cuối cùng vì quá trình phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ không bao giờ kết thúc.
Kế hoạch tái cấu trúc là một trong những động thái lớn nhất của Alibaba trong những năm gần đây, khi lĩnh vực thương mại điện tử "thu mình" dưới sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan quản lý.
Kể từ khi thành lập năm 1999, Alibaba đã phát triển từ một công ty thương mại điện tử truyền thống thành một tập đoàn lớn sở hữu các doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực từ hậu cần, giao đồ ăn đến điện toán đám mây. Ở thời điểm tháng 10/2020, vốn hóa thị trường của Alibaba đạt giá trị khoảng 846 tỷ USD (tính theo tỷ giá hiện tại).
Tuy nhiên, việc hoãn thương vụ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của công ty công nghệ tài chính Ant Group, thuộc tập đoàn Alibaba dường như đã đẩy "gã khổng lồ" thương mại điện tử này rơi vào vòng xoáy khó khăn. Tính đến tháng 6/2023, giá trị thị trường của Alibaba chỉ còn khoảng 220,73 tỷ USD.
Không chỉ vậy, vị thế dẫn đầu của Alibaba còn khiến doanh nghiệp này dễ "rơi vào tầm ngắm" của các nhà quản lý, qua đó tạo điều kiện cho nhiều đối thủ cạnh tranh khác có cơ hội cạnh tranh và giành được thị phần.
Theo dữ liệu của Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc, tổng doanh thu của các công ty Internet của nước này giảm 1% xuống còn khoảng 212 tỷ USD trong năm 2022, lần giảm đầu tiên trong gần 10 năm qua. Do đó, cuộc tái cơ cấu của Alibaba cũng giúp tái khởi động tăng trưởng của ngành công nghệ Trung Quốc sau những năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19.
Các nhà quan sát cho rằng bằng cách mở đường cho các đơn vị mới của Alibaba niêm yết lên sàn, Chính phủ Trung Quốc có thể đang gửi một tín hiệu tích cực tới các nhà đầu tư quốc tế cho thấy nước này có chính sách thích hợp hơn đối với những "gã khổng lồ" công nghệ.