Doanh thu Alibaba không đạt kỳ vọng trong quý I, vẫn tìm cách huy động thêm vốn cho đơn vị chủ quản Lazada
Ông lớn Alibaba đã công bố kế hoạch tách bộ phận đám mây của mình thành một công ty giao dịch công khai, riêng biệt, trong bối cảnh doanh thu quý I của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc không đạt kỳ vọng của giới phân tích, theo CNBC.
“Chúng tôi đang thực hiện các bước cụ thể để mở khóa giá trị từ các hoạt động kinh doanh của mình và vui mừng thông báo rằng hội đồng quản trị của chúng tôi đã phê duyệt việc tách toàn bộ Cloud Intelligence Group, với ý định đưa nó trở thành một công ty niêm yết công khai độc lập”, Giám đốc điều hành công ty Daniel Zhang cho biết.
Công ty cũng đã công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu đạt 208,2 tỷ nhân dân tệ (29,6 tỷ USD), tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại không đạt kỳ vọng 210,2 tỷ nhân dân tệ của giới phân tích Phố Wall.
Nỗ lực tái cơ cấu
Đây là báo cáo tài chính đầu tiên của Alibaba kể từ khi tách thành 6 đơn vị và cũng là báo cáo đầu tiên có con số phản ánh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Vào tháng 12/2022, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách Zero-COVID, mở đường cho quá trình mở cửa trở lại sau vài năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trước đó, Alibaba cho biết họ có kế hoạch tách bộ phận đám mây thành một công ty mới niêm yết, tùy thuộc vào việc tái cấu trúc một số tài sản, nợ và hợp đồng nhất định, cũng như được phê duyệt theo quy định. Alibaba là công ty lớn trong lĩnh vực điện toán đám mây ở quê nhà Trung Quốc và đang tìm cách cạnh tranh với những gã khổng lồ lâu đời của Mỹ, chẳng hạn như Amazon và Microsoft.
Dan Ives, một nhà phân tích tại Wedbush Securities, cho biết kế hoạch tách đơn vị trên nền tảng đám mây của Alibaba là một “bước đi chiến lược, sẽ bổ sung vào tổng định giá các bộ phận của Alibaba”. “Chúng tôi tin rằng đây là một bước đi đúng hướng cho câu chuyện của Alibaba”, Ives nói.
Công ty cũng đã công bố kế hoạch huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài cho bộ phận thương mại kỹ thuật số quốc tế của mình, bao gồm các nền tảng mua sắm thương mại điện tử trực tuyến Lazada và AliExpress.
Alibaba cũng cho biết họ dự định tung ra đợt chào bán công khai lần đầu cho đơn vị Cainiao Smart Logistics của mình, trong đó họ hiện đang nắm giữ 67% cổ phần. Đợt IPO dự kiến sẽ hoàn thành trong 12 đến 18 tháng tới. Hội đồng quản trị của Alibaba cũng đã phê duyệt việc bắt đầu thăm dò khả năng niêm yết hoạt động kinh doanh bán lẻ Freshippo của mình trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Khởi đầu năm 2023 chậm chạp
Ông chủ của các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc từng đưa ra nhận định vào tháng 2 rằng năm 2023 đã khởi đầu tương đối ảm đạm, với tổng doanh số bán hàng trực tuyến vẫn ở mức thấp.
Doanh số thị trường bán lẻ tại Trung Quốc đã tăng 18,4% trong tháng 4, theo dữ liệu kinh tế mới được công bố gần đây. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong quý đầu tiên, đạt tốc độ nhanh nhất trong một năm. Hiệu suất này dự kiến sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng của Alibaba.
Công ty Alibaba điều hành hai trong số các trang mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc: Taobao và Tmall. Bất chấp sự cạnh tranh gia tăng, kết quả của Alibaba vẫn là một chỉ số quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc tạo ra gần 50% giao dịch mua sắm trực tuyến trên thế giới. Trong khi đó, Alibaba cho biết họ đã chứng kiến đà tăng trưởng tích cực trong nước vào tháng 3, sau thời gian khởi đầu chậm chạp hai tháng đầu năm.
Trong quý I, các nền tảng Taobao và Tmall của công ty đã chứng kiến sự sụt giảm ở mức trung bình một con số đối với các đơn đặt hàng trực tuyến, nhưng đến tháng 5, chúng “chuyển biến tích cực nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các danh mục thời trang & phụ kiện và chăm sóc sức khỏe”, công ty cho biết.
Số liệu trong báo cáo tài chính quý I là số liệu đầu tiên kể từ khi Alibaba công bố một cuộc “đại tu” mang tính lịch sử, chia doanh nghiệp thành nhiều đơn vị riêng biệt trong một sự phát triển mà một số nhà phân tích giải thích là báo hiệu sự nới lỏng kiểm duyệt đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Cấu trúc công ty mới được chia thành 6 bộ phận: Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics, Global Digital Commerce Group và Digital Media and Entertainment Group.
Nhu cầu về AI
Một số nhà đầu tư đang đặt cược vào sự phục hồi mạnh mẽ của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Chẳng hạn, nhà đầu tư Michael Burry của “The Big Short” đã tăng cường đặt cược vào các công ty thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com khi tiếp tục mua vào cổ phiếu của hai công ty này.
Trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy hoạt động của các công ty công nghệ Trung Quốc trong tương lai. Alibaba, công ty đã phát triển công cụ AI tổng quát kiểu ChatGPT của riêng mình, Tongyi Qianwen vào đầu năm nay, cho biết hệ thống này có thể giúp đẩy nhanh việc khách hàng chấp nhận dịch vụ điện toán đám mây của mình.
Cho đến nay, Alibaba đã nhận thấy nhu cầu dồi dào đối với sản phẩm Tongyi Qianwen của mình, ban lãnh đạo công ty cho biết trong cuộc họp công bố báo cáo tài chính quý I, với 2.000 khách hàng doanh nghiệp đăng ký quyền truy cập dùng thử.
Giám đốc điều hành của Alibaba, Daniel Zhang, cho biết: “Trí tuệ nhân tạo là một cơ hội lớn cho chúng tôi trong tương lai”. Ông nói thêm rằng công nghệ này sẽ dẫn đến “sự gia tăng theo cấp số nhân” về sức mạnh tính toán, vì các chương trình AI tiên tiến yêu cầu cơ sở hạ tầng hiệu năng cao.
Các bình luận được đưa ra sau khi chủ tịch của Tencent, Martin Lau, cho biết công ty của ông đã “đạt được tiến bộ tốt” trong việc xây dựng các mô hình nền tảng, các hệ thống làm nền tảng cho các chatbot AI như ChatGPT.