|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Đơn vị quản lý sàn TMĐT Lazada của Alibaba cân nhắc IPO tại Mỹ

15:55 | 05/05/2023
Chia sẻ
Nhóm Kinh doanh Kỹ thuật số Toàn cầu (Global Digital Business Group), bao gồm Lazada và AliExpress, là một trong 6 đơn vị độc lập dự kiến được tách riêng trong một động thái "đại tu" mang tính lịch sử của tập đoàn Alibaba. Đơn vị này đang cân nhắc về khả năng IPO tại Mỹ trong tương lai.

Tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc là Alibaba đang cân nhắc đợt chào bán lần đầu ra công chúng tại Mỹ cho đơn vị mua sắm trực tuyến quốc tế của mình như một phần trong kế hoạch chia công ty thành các đơn vị kinh doanh khác nhau, theo Bloomberg.

Theo báo cáo, kế hoạch này mới chỉ ở giai đoạn đầu nghiên cứu và quy mô cụ cũng như các chi tiết cụ thể của đợt chào bán chưa được xác định. Tuy nhiên, Alibaba đã đàm phán với các ngân hàng để đóng vai trò là người bảo lãnh phát hành và việc chào bán có thể diễn ra trong năm tới.

Lazada thuộc vào bộ phận Kinh doanh Kỹ thuật số Toàn cầu của Alibaba. (Ảnh: Forbes).

Trước đó, cuối tháng 3, Alibaba Group Holding thông báo sẽ phân chia lại thành 6 đơn vị kinh doanh và theo đuổi việc niêm yết công khai cho 5 đơn vị trong số đó. Theo Asia Nikkei, đây là động thái đại tu quan trọng nhất của công ty kể từ khi thành lập 24 năm trước.

6 đơn vị kinh doanh độc lập mới sẽ bao gồm: Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Service Group, Cainiao Smart Logistics, Global Digital Commerce Group và Digital Media and Entertainment Group.

Trong đó, mỗi đơn vị kinh doanh độc lập riêng lẻ sẽ được điều hành bởi CEO và ban giám đốc riêng, với các CEO sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn về hiệu quả hoạt động của công ty. Ông Daniel Zhang sẽ vẫn là chủ tịch và giám đốc điều hành của Tập đoàn Alibaba, theo mô hình quản lý công ty cổ phần.

Ông cũng sẽ giữ vai trò là giám đốc điều hành của Cloud Intelligence Group, chịu trách nhiệm về mảng kinh doanh trí tuệ nhân tạo và đám mây của công ty. Trong khi đó, Jiang Fan sẽ là giám đốc điều hành của đơn vị kinh doanh thương mại kỹ thuật số toàn cầu, bao gồm Lazada, AliExpress, Trendyol, Daraz và Alibaba.com tập trung ở Đông Nam Á.

Ngay sau thông báo trên, theo các chuyên gia, sàn thương mại điện tử Lazada có thể thực hiện đợt IPO riêng biệt, trở nên tự chủ hơn và có khả năng gọi vốn từ bên ngoài. Theo đó, Zerlina Zeng, nhà phân tích cấp cao tại CreditSights chuyên về các tập đoàn Trung Quốc, nhận xét sau khi thay đổi, ban quản lý của Lazada có thể trở nên “phi tập trung hơn và do đó có thể linh hoạt hơn với các quyết định của mình”.

“Chúng tôi kỳ vọng Alibaba sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ kiếm tiền và hiệu quả hoạt động, đồng thời giảm thiểu tổn thất từ hoạt động của Lazada”, chuyên gia của CreditSights với Tech in Asia. Zeng nói thêm rằng Lazada có thể tiến hành IPO, điều này có thể thu hút vốn bên ngoài mà công ty có thể sử dụng để mở rộng quy mô.

Trong báo cáo tài chính mới nhất của mình, gã khổng lồ Alibaba cho biết sàn thương mại điện tử Lazada không chỉ cải thiện tốc độ tăng trưởng đơn hàng và tỷ lệ kiếm tiền mà còn thu hẹp các khoản lỗ trên mỗi đơn hàng.

Angus Mackintosh, một nhà phân tích tại CrossASEAN Research, người đóng góp cho SmartKarma, nói với Tech in Asia rằng ông tin rằng động thái tái cấu trúc mới này của Alibaba cũng mở ra khả năng huy động vốn mới cho Lazada.

Mới nhất, giữa tháng 4, theo thông tin từ Tech in Asia, ông lớn thương mại điện tử Đông Nam Á Lazada đã nhận được khoản đầu tư trị giá 352,9 triệu USD khác từ gã khổng lồ Alibaba, theo hồ sơ của công ty này gửi lên Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp và Kế toán.

Doanh Chính

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.