'Cuộc đua' sàn TMĐT quý I: Shopee vẫn thống trị thị trường, doanh thu TikTok Shop bỏ xa Tiki và gần bắt kịp Lazada
Mới đây, Metric – nền tảng số liệu đo lường thương mại điện tử (TMĐT) dành cho doanh nghiệp, thương hiệu và nhà bán đã công bố báo cáo thị trường TMĐT tại Việt Nam giai đoạn ba tháng đầu năm.
Theo đó, Metric dẫn số liệu từ Forbes Advisor cho biết doanh số TMĐT năm 2023 sẽ tăng 10,4%, đạt tổng giá trị 6.300 tỷ USD trên toàn cầu. Tại Việt Nam, quy mô thị trường TMĐT trong năm 2025 có thể lên tới 57 tỷ USD (dự đoán của Google).
Mặc dù dự đoán tăng trưởng có nhiều dấu hiệu tích ực, song cũng có không ít chuyên gia cho rằng thị trường TMĐT Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Metric, tổng doanh thu trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop) quý I đạt 39.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số nhà bán đã phát sinh đơn hàng trên 5 sàn TMĐT này trong ba tháng đầu năm là 412.769 shop
Tổng số sản phẩm đã giao hàng thành công trên cả 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam quý I đạt mức 390 triệu sản phẩm. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu toàn thị trường TMĐT Việt Nam quý I đạt mức 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu từ Metric, trong quý I, doanh thu của Shopee đạt mức 24.700 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất (63,1%) tổng doanh thu của 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (7.500 tỷ đồng – chiếm 19,1% thị phần), TikTok Shop (6.000 tỷ đồng – chiếm 15,5% thị phần), Tiki (846,5 tỷ đồng – chiếm 2,2% thị phần) và Sendo (55 tỷ đồng).
Shopee cũng là sàn TMĐT có sản lượng sản phẩm bán ra nhiều nhất giai đoạn ba tháng đầu năm với 289,7 triệu sản phẩm. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Lazada (55,2 triệu sản phẩm), TikTok Shop (42,1 triệu sản phẩm), Tiki (2,8 triệu sản phẩm) và Sendo (290.000 sản phẩm).
Trong giai đoạn ba tháng đầu năm, doanh thu trên 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam được phân bổ tương đối đồng đều, ít có sự biến động mạnh. Trong dó, tổng doanh thu từ giai đoạn ngày 2/1 đến ngày 8/1 ở mức cao nhất, còn tổng doanh thu từ giai đoạn ngày 23/1 đến ngày 29/1 ở mức thấp nhất.
Theo dữ liệu của Metric, trong quý I, làm đẹp là ngành hàng có tổng doanh thu lớn nhất trên 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là thời trang nữ, nhà cửa – đời sống, thời trang nam, đồ điện gia dụng, chưa phân loại, mẹ & bé và điện thoại & máy tính bảng.
Các sản phẩm có giá từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng và từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đem lại doanh thu cao nhất cho các sàn TMĐT trong quý I với tỷ trọng lần lượt là 24,1% và 25,8%. Mặt khác, với phân khúc sản phẩm có giá từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng đã đem lại sản lượng bán hàng lớn nhất ở cả 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam hiện nay trong ba tháng qua.
Metric cũng công bố thị phần doanh thu của các tỉnh/thành phố trên các sàn TMĐT trong quý I. Theo đó, Hà Nội là nơi có tổng doanh thu trên các sàn TMĐT lớn nhất ba tháng qua với hơn 10.700 tỷ đồng. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là TP HCM (hơn 9.200 tỷ đồng), Quốc tế (hơn 2.100 tỷ đồng), Nam Định (hơn 291 tỷ đồng) và Bắc Ninh (hơn 200 tỷ đồng).
Metric nhận định rằng tổng doanh thu và sản lượng toàn thị trường TMĐT Việt Nam quý I đều tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số lượng shop có lượt bán lại giảm 17%. Điều này cho thấy các nhà bán nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp sẽ dần rút khỏi thị trường, qua đó lợi nhuận sẽ đổ về những nhà bán thực sự chuyên nghiệp và có đầu tư cho việc bán hàng trên các sàn TMĐT.
Doanh thu quý II/2022 của tổng 4 sàn TMĐT gồm Shopee, Lazada, Tiki và Sendo là 30.500 tỷ đồng. Metric dự báo với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 22% thì doanh thu quý II năm nay sẽ đạt hơn 37.000 tỷ đồng với 390 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, chưa bao gồm các con số từ TikTok Shop.
Shopee là sàn TMĐT được yêu thích nhất
Mới đây, Q&Me cũng đã công bố báo cáo về mức độ phổ biến của các sàn TMĐT tại Việt Nam. Theo Q&Me, trong vài năm qua, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch COVID-19, mua sắm trực tuyến đã trở thành hình thức phổ biến và là một kênh quan trọng đối với thị trường bán lẻ.
Cũng theo kết quả khảo sát của Q&Me, Shopee là sàn TMĐT được yêu thích và sử dụng nhiều nhất khi người dùng Việt mua sắm trực tuyến. Theo đó, với tỷ lệ sử dụng là 62%, Shopee bỏ xa hai đối thủ khác là Lazada và Facebook với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 23% và 5%.
Đứng ở các vị trí sau trên bảng xếp hạng được Q&Me khảo sát lần lượt là TikTok (4%), Tiki (4%), Sendo (1%), Zalo (1%). Một số kênh mua sắm trực tuyến khác cũng được Q&Me đề cập tới trong bảng xếp hạng bao gồm Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động và Instagram.
Theo báo cáo của Q&Me, giá cả là yếu tố quan trọng nhất khi người dùng tìm kiếm và lựa chọn kênh mua sắm trực tuyến. Các yếu tố khác có thể kể tới thông tin và đánh giá, thời gian giao hàng, sự đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ khách hàng,…
Về khía cạnh giá cả, Shopee và Lazada là hai sàn TMĐT được người dùng đánh giá cao nhất, cũng là lựa chọn phù hợp với nhiều người khi lựa chọn mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, hai sàn TMĐT này cùng với Tiki cũng là ba sàn TMĐT được người dùng đánh giá cao nhất ở hầu hết khía cạnh, từ thông tin và đánh giá, thời gian giao hàng tới sự đa dạng của các sản phẩm.