|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành TMĐT Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 25% trong năm 2023

11:18 | 18/04/2023
Chia sẻ
Quy mô giao dịch ngành TMĐT chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2022. Với tỷ lệ đó, ngành TMĐT tại Việt Nam rõ ràng còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh kinh doanh online.

Sáng 18/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Sự kiện thường niên: Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 (VOBF 2023) với chủ đề “Smart-Ecommerce”.

Sự kiện có sự tham gia của hơn 2.000 cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam cũng như trên quốc tế. Bên cạnh đó, sự kiện cũng có sự góp mặt của 50 chuyên gia và 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ.

Một số đơn vị đồng hành cùng sự kiện có thể kể tới như Gosell – đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ bán hàng đồng bộ đa kênh, Droppii – nền tảng TMĐT dành cho sản phẩm tư vấn, kinh doanh theo mô hình dropshipping và Nam A Bank.

Đại diện Droppii chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Doanh Chính).

Ngoài ra, một số đơn vị lớn trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam như Lazada, TikTok Shop, TikiNOW, Accesstrade,… cũng đã góp mặt và có những chia sẻ về lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam trong thời gian qua.

TMĐT Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển

Theo VECOM, đặt trong bối cảnh của nền kinh tế sau dịch và chịu sự ảnh hưởng của làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành TMĐT đã và đang là một trong những ngành có những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ nhất để thích nghi với tình hình mới tại Việt Nam.

Sau hai năm đại dịch COVID-19, ngành TMĐT đã bước vào năm 2022 với nhiều tín hiệu lạc quan. Dù vậy, những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như cùng với nhiều yếu tố bất lợi trong nước đã tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế và thương mại nước ta, đặc biệt là những tháng cuối năm và kéo dài sang năm 2023.

VECOM ước tính năm 2022 quy mô giao dịch TMĐT bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.

Sự kiện do VECOM tổ chức có sự hiện diện của nhiều đơn vị lớn trong ngành TMĐT Việt Nam. (Ảnh: Doanh Chính).

Sang năm 2023, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, ba tháng đầu năm tổng sản phẩm trong nước tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%. Hai ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 26,0%, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,1%.

Rõ ràng, những khó khăn lớn của nền kinh tế từ giữa năm 2022 đã kéo dài sang quý I và có thể đến hết năm 2023. Trong bối cảnh khó khăn đó, VECOM đánh giá TMĐT của quý I tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ và cả năm vẫn có thể đạt trên 25%.

Như vậy, TMĐT tiếp tục là một trong những lĩnh vực kinh tế sáng nhất, tăng trưởng nhanh và ổn định. Tuy nhiên, khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với nước láng giềng có nhiều nét tương đồng là Trung Quốc thì các tỷ lệ trên còn rất thấp.

Năm 2022 tại Trung Quốc bán lẻ hàng hoá trực tuyến chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hoá, gấp đôi tỷ lệ này của năm 2016 và cao hơn tỷ lệ 24,5% của năm 2021.3 Rõ ràng TMĐT nước ta dù phát triển với tốc độ cao, nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu. Tiềm năng cho sự phát triển TMĐT còn rất lớn.

Các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội

Theo báo cáo của VECOM, hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT và mạng xã hội là những nét nổi bật của ngành TMĐT Việt Nam giai đoạn 2022 – quý I/2023. Kết quả khảo sát của VECOM cho thấy có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Ngoài ra, số lượng lao động trong doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, WhatsApp, Viber hay Facebook Messenger cũng liên tục tăng qua từng năm.

Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo khảo sát của VECOM, năm 2022 có 23% doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Theo Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh số của 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD). Shopee và Lazada là hai sàn thương mại điện tử lớn nhất, trong khi đó dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop cũng đã trở thành nền tảng thương mại điện tử bán lẻ lớn thứ ba tại Việt Nam.

Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung, bằng cách tổng hợp nhu cầu, do đó có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ nhỏ nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và hậu cần hiệu quả hơn thông qua tính kinh tế theo quy mô.

Chẳng hạn, Công ty TNHH Telio Việt Nam đã trở thành đơn vị tiên phong cung cấp nền tảng công nghệ hỗ trợ hiệu quả đông đảo các nhà bán lẻ quy mô nhỏ. Năm 2022 doanh số trên nền tảng này lên tới gần 300 triệu USD với tốc độ tăng trưởng 140% so với năm trước đó và có trên 40.000 khách hàng ở nhiều địa phương. Ba tháng đầu năm 2023 doanh số và khách hàng cũng ghi nhận mức tăng trưởng 120% và 25% so với cùng kỳ.

Anh Nguyễn