|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hơn 20% doanh nghiệp Việt tham gia các sàn TMĐT trong năm 2022

09:49 | 20/04/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam mới được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tỷ lệ doanh nghiệp Việt tham gia kinh doanh trên mạng xã hội cũng như sàn TMĐT trong năm 2022 đều tăng so với năm 2021, qua đó tiếp tục giữ đà tăng liên tục qua các năm.

Vừa qua, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã công bố báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, trong đó có tổng quát về toàn cảnh ngành thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2023.

VECOM đã tiến hành khảo sát doanh nghiệp trên cả nước và thu được 6.879 phiếu hợp lệ dùng để làm số liệu chính phục vụ cho hoạt động phân tích thống kê trong báo cáo này.

Theo đó, khảo sát năm 2022 của VECOM chỉ ra rằng hầu như 100% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều đang sử dụng các công cụ như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger,… trong công việc.

Trong số này, 55% doanh nghiệp cho biết có trên 50% lao động của công ty thường xuyên sử dụng các công cụ trên (cao hơn mức 44% trong năm 2021), 30% doanh nghiệp cho biết có từ 10%-50% lao động thường xuyên sử dụng và 15% doanh nghiệp cho biết có dưới 10% lao động thường xuyên sử dụng.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng các công cụ mạng xã hội giai đoạn 2021 - 2022. (Nguồn: VECOM).

Nhóm doanh nghiệp lớn có tỷ lệ lao động sử dụng thường xuyên các nền tảng này cao hơn hẳn nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ: 73% doanh nghiệp lớn cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng các nền tảng này, trong khi đó tỷ ở nhóm doanh nghiệp nhỏ chỉ có 53%.

Khảo sát của VECOM cũng cho biết trong năm 2022, khoảng 69% doanh nghiệp tham gia khảo sát có tuyển dụng ưu tiên với nhân sự có kỹ năng hoặc được đào tạo về công nghệ thông tin (CNTT) và TMĐT (cao hơn đôi chút so với mức 64% trong năm 2021).

Trong khi đó nếu xét theo quy mô doanh nghiệp thì nhóm doanh nghiệp lớn có mức độ quan tâm và ưu tiên hơn đối với việc tuyển dụng nhân sự có nhóm kỹ năng này. Cụ thể, nếu có 67% doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm tới việc tuyển dụng ưu tiên đối với nhân sự có kỹ năng/được đào tạo về CNTT và TMĐT thì tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp lớn chiếm tới 83%.

Trong số các lĩnh vực, thông tin và truyền thông là ngành có mức độ ưu tiên đối với nhân sự có kỹ năng/được đào tạo về CNTT và TMĐT ở mức cao nhất (91% doanh nghiệp trong lĩnh vực này ưu tiên tuyển dụng với nhân sự có kỹ năng).

Các lĩnh vực khác có thể kể tới như hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (89%), hoạt động chuyên môn – khoa học và công nghệ (88%), hoạt động kinh doanh bất động sản (88%) hay hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (88%).

Các lĩnh vực quan tâm tới việc tuyển dụng lao động có kỹ năng trong ngành TMĐT. (Nguồn: VECOM).

Các doanh nghiệp chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT và TMĐT

Trong năm 2022, theo báo cáo của VECOM, có khoảng 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá việc đầu tư vào hạ tầng CNTT và TMĐT có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có 23% đánh giá việc này là rất quan trọng. Ngược lại, chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng việc đầu tư vào hạ tầng CNTT và TMĐT là điều không quan trọng.

Các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT và TMĐT. (Nguồn: VECOM).

Khảo sát cũng cho thấy nhóm doanh nghiệp lớn đánh giá cao về hiệu quả của việc đầu tư này hơn so với nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể có tới 45% doanh nghiệp lớn cho biết việc đầu tư vào hạ tầng CNTT và TMĐT đem lại hiệu quả rất cao, trong khi đó với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có 18% doanh nghiệp đánh giá việc đầu tư vào hạ tầng CNTT và TMĐT đem lại hiệu quả rất cao.

Trong vài năm qua, website doanh nghiệp luôn được đánh giá là kênh hàng đầu giúp xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến một cách bền vững, điều này đúng cho cả doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đã xây dựng website không có thay đổi nhiều nhiều so với các năm trước và mức độ chênh lệch với các năm trước cũng không cao.

Có 34% doanh nghiệp cho biết đã tự xây dựng website cho doanh nghiệp của mình, 66% còn lại thì thuê các đơn vị khác xây dựng website. Xét theo quy mô giữa nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tỷ lệ doanh nghiệp tự xây dựng website giữa hai nhóm này có chênh lệch đôi chút.

Phần lớn doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội

Báo cáo của VECOM chỉ ra rằng xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram...) năm 2022 tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, có tới 65% doanh nghiệp cho biết có sử dụng các hình thức kinh doanh này.

Điều này là rõ ràng khi trước bối cảnh tác động của dịch bệnh, việc chuyển dịch lên kinh doanh trực tuyến là cần thiết. Bên cạnh nhiều nền tảng kinh doanh online thì kinh doanh thông qua mạng xã hội được đánh giá là nền tảng dễ triển khai nhất với mọi doanh nghiệp. 

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT tăng đều qua từng năm. (Nguồn: VECOM).

Năm 2022, có 23% doanh nghiệp tham gia khảo sát của VECOM cho biết có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, hoạt động của các nền tảng này cũng dần được cộng đồng quan tâm nhiều hơn cả về khía cạnh chính sách thực thi và hiệu quả kinh doanh.

Quảng cáo thông qua mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo...) trong nhiều năm liền vẫn là công cụ chính được doanh nghiệp quan tâm sử dụng nhất. Cụ thể theo số liệu khảo sát năm 2022, 59% doanh nghiệp tham gia khảo sát có website/ứng dụng di động cho biết đã quảng cáo các kênh của mình thông qua mạng xã hội.

Tiếp sau hình thức quảng cáo này là hình thức quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm phổ biến toàn cầu như Google, Bing, Yahoo (chiếm 34%). Ngoài ra, vẫn có 16% doanh nghiệp cho biết chưa hoạt động quảng cáo.

Doanh Chính