|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu thuế với hàng thương mại điện tử giá trị thấp: Cơ hội cho hàng nội địa được lựa chọn

21:30 | 18/02/2025
Chia sẻ
Quy định mới về thuế có thể khiến giá hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá quá cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa.

Từ ngày 18/2/2025, các loại hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh không còn được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. (Ảnh: VGP).

Theo Quyết định 01/2025 ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hoá nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế, từ ngày 18/2/2025, các loại hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Sự thay đổi chính sách này được đưa ra trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ gia tăng đáng kể. Điều này gây thất thu ngân sách, tạo sự không công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.

Năm 2024, mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực vẫn đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, vượt mốc 25 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện quy mô thị trường thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị kinh tế số của cả nước, giúp Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 của Metric cho thấy, năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm được đưa vào Việt Nam, tạo ra 14.200 tỷ đồng doanh số, mức tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với cùng kỳ. Năm 2024, phân khúc giá rẻ thấp hơn 200.000 đồng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh cả về doanh số và thị phần, tăng khoảng 3,7% thị phần.

Nhằm bảo đảm công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất, kinh doanh trong nước, từ ngày 18/2/2025, các loại hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh không còn được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Thúc đẩy người tiêu dùng chọn hàng nội địa

Trước quy định này, Bộ Công Thương dự báo giá bán hàng xuyên biên giới trên sàn sẽ tăng do phải chịu thêm khoản thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu và khách hàng sẽ là người chi cho khoản tăng này. Song cũng có khả năng nhà bán Trung Quốc sẽ cố gắng giảm chi phí hoặc chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận để giữ chân khách hàng.

Ông Hoàng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - nhận định: Quy định mới về thuế có thể khiến giá hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá quá cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa, nhất là sản phẩm có chất lượng tương đương. Đây là cơ hội để doanh nghiệp nội địa cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ góc độ quản lý, quy định mới sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn luồng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam. Việc thu thuế đồng đều sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng các chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại.

Phan Trang