Kích cầu tiêu dùng - chìa khóa để tăng trưởng hai chữ số
"So với năm 2023, chúng tôi tăng trưởng đều về số cửa hàng mở mới lẫn doanh thu", ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng giám đốc MUJI Việt Nam nói với VnExpress. Theo ông, sức mua nhích dần, tâm lý của người tiêu dùng cải thiện, thể hiện qua chỉ số chi tiêu bình quân trên mỗi khách hàng trong nửa cuối 2024 tăng so với hồi đầu năm.
Cùng với MUJI, theo khảo sát của Công ty Công nghệ Sapo từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc, 35% trong số này ghi nhận doanh thu tăng. Tỷ lệ này cao hơn 2023, dù chưa bằng năm 2022.
Tiêu dùng - một trong ba động lực chính của tăng trưởng kinh tế - ghi nhận phục hồi tích cực trong 2024, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với 2023. Khu vực này đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế năm qua, gần 49,5%.
2025, Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế tăng 8-10%. Bên cạnh đầu tư công và xuất khẩu, tiêu dùng phục hồi được coi là một trong những trợ lực chính cho mục tiêu này thành công. Bởi, theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tiêu dùng toàn xã hội, gồm phần lớn chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình và tỷ trọng nhỏ hơn từ Chính phủ, chiếm trên 60% GDP.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư Dragon Capital, cho rằng nếu tiêu dùng tăng trưởng 10-12% cộng thêm tăng từ đầu tư, "GDP ở mức hai chữ số sẽ không phải vấn đề không tưởng".Thực tế, giới phân tích khá lạc quan về triển vọng thị trường bán lẻ giai đoạn tới. Kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp nhà chức trách cần tìm cách củng cố, khi lĩnh vực này đang có lợi thế từ dân số trên 100 triệu người.
Chuyên gia của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá cấu trúc nhân khẩu học với 62% trong tuổi lao động, cùng sự gia tăng của mạng lưới bán lẻ, thanh toán số dần phổ biến (40% sử dụng ứng dụng ngân hàng để mua sắm) là các yếu tố dẫn dắt đà tăng trưởng của ngành này. Cùng với đó, thu nhập của người dân cải thiện và tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng là yếu tố thuận lợi cho tiêu dùng bán lẻ khởi sắc.
Nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) kỳ vọng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 2025 sẽ trở lại trên mức 10% như giai đoạn trước Covid-19, khi tâm lý người tiêu dùng được củng cố.
Song khó khăn vẫn còn do tiêu dùng nội địa đang yếu hơn kỳ vọng, khi tăng trưởng giảm dần từ 2022. Hơn hai năm qua, tổng mức bán lẻ theo giá so sánh chỉ tăng trên dưới 6%. Trong khi đó, trước 2020 - thời điểm bùng phát dịch Covid-19 - chỉ số này theo giá hiện hành luôn tăng trưởng hai chữ số, còn theo giá so sánh xấp xỉ 10%.
Điều này có thể phản ánh tâm lý thắt lưng buộc bụng và ưu tiên tích lũy tài chính của các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR - thuộc Đại học Quốc gia).
Sự phân hóa cũng rõ rệt giữa các nhóm hàng hóa và dịch vụ. Theo kết quả phân tích trên nền tảng Payoo, xu hướng người tiêu dùng ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu. Tức là, họ chi nhiều hơn cho sức khỏe, giáo dục, trong khi các nhóm hàng xa xỉ, công nghệ bị cắt giảm.
"Bức tranh tiêu dùng chưa thực sự lạc quan trong năm nay", Ths - Dược sĩ Phan Văn Hiệu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty CVI Pharma nói. Ông chủ của doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm dược phẩm lo ngại sức mua sụt giảm do ảnh hưởng lan tỏa từ làn sóng tinh gọn nhân sự ở các cơ quan Nhà nước, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng trong ngắn hạn. Chưa kể, cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành dược phẩm ngày càng khốc liệt, khiến họ chịu sức ép tăng chi phí chiết khấu, sụt giảm lợi nhuận.
"Công ty không kỳ vọng tăng trưởng cao, mức 10% có thể là đích nhờ tiếp tục tinh gọn nhân sự, kiểm soát chi phí", ông cho biết.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, giúp sức mua nhích lên và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ngoài kênh bán trực tiếp, thương mại điện tử cũng là giải pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị.
Quy mô thị trường này năm ngoái vượt mốc 25 tỷ USD, sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD) trong khu vực. Ngành dịch vụ ăn uống là một ví dụ tích cực về chiến lược cắt giảm chi phí, đẩy mạnh bán hàng online. Mảng đặt hàng, thanh toán online của ngành này tăng trưởng đều đặn 10% mỗi tháng ngay cả khi thị trường F&B đang trải qua cuộc thanh lọc mạnh mẽ, theo Payoo.
Đại diện doanh nghiệp CVI Pharma nói họ dự kiến đầu tư mạnh vào các kênh bán hàng mới như thương mại điện tử xuyên quốc gia. Ông cũng kỳ vọng Chính phủ tiếp tục ổn định vĩ mô, môi trường kinh doanh, duy trì lãi suất thấp và có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.
Với "ông lớn" bán lẻ đến từ Nhật Bản - Aeon Việt Nam, Tổng giám đốc Furusawa Yasuyuki nói họ cũng chọn cách điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhằm đáp ứng xu hướng, nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh chi tiêu siết lại. Chẳng hạn, họ sẽ tổ chức nhiều hơn các chương trình khuyến mại tập trung vào cung cấp hàng thiết yếu với giá tốt so với thị trường.
Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm lưu ý để tiêu dùng cuối cùng tăng trưởng và đóng góp vào GDP, người dân phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước. Bởi, tiêu dùng hàng, dịch vụ nhập khẩu vô hình chung khiến GDP bị giảm đi.
Chẳng hạn, riêng lĩnh vực du lịch, Việt Nam đã nhập siêu dịch vụ 380 triệu USD trong 2024. "Người Việt Nam ra nước ngoài nhiều vì giá vé máy bay nội địa đắt đỏ, đi lại chiếm tới 30% chi phí du lịch. Trong khi, sản phẩm du lịch trong nước nghèo nàn, khách quốc tế đến nhưng không biết tiêu tiền vào đâu", ông nói. Từ ví dụ này, chuyên gia cho rằng Việt Nam phải có giải pháp đồng bộ để kích cầu tiêu dùng nội địa, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao khả thi.
Điều này cũng được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới. Theo ông, người Việt tiêu thụ hàng nội địa sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo việc làm và tăng nguồn thu ngân sách.
"Đây là cách mỗi người dân, doanh nghiệp, đóng góp trực tiếp vào phát triển đất nước", ông Dũng nói.