Hệ thống phân phối hàng hóa (Commodity Distribution System) là gì?
Hệ thống phân phối hàng hóa
Khái niệm
Hệ thống phân phối hàng hóa trong tiếng Anh là commodity distribution system.
Đứng trên quan điểm nền kinh tế quốc dân (góc độ vĩ mô), hệ thống phân phối hàng hóa được hiểu là một hệ thống kinh tế kĩ thuật có chức năng đảm bảo cung hàng hóa phù hợp với cầu hàng hóa trong toàn bộ phạm vi nền kinh tế.
Hệ thống phân phối hàng hóa chính là hệ thống các quan hệ của tổ chức/doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào quá trình lưu thông, mua và bán hàng hóa nhằm đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng.
Xét theo góc độ doanh nghiệp, Hệ thống phân phối hàng hóa như là các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức, cá nhân trung gian có liên quan đến tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.
Vai trò của Hệ thống phân phối hàng hóa
- Hệ thống phân phối hàng hóa làm giảm chi phí xay dựng mạng lưới phân phối của doanh nghiệp
- Hệ thống phân phối hàng hóa tạo cơ hội tăng lượng tiêu thụ/bán sản phẩm của doanh nghiệp, thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế quốc dân
- Giảm thiểu rủi ro đầu tư sản xuất, kinh doanh
- Hệ thống phân phối hàng hóa làm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Cấu trúc Hệ thống phân phối hàng hóa
Phân phối hàng hóa được xem như là quá trình lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất hay nhập khẩu đến người tiêu dùng cuối cùng. Quá trình đó có thể diễn ra trực tiếp từ nhà sản xuất (hay nhập khẩu) đến người tiêu dùng cuối cùng, hoặc từ nhà sản xuất (hay nhập khẩu) qua các trung gian thương mại.
Tùy thuộc vị trí nhà phân phối trong chuỗi cung ứng sản phẩm mà họ tổ chức các mối quan hệ hoạt động theo những cách khác nhau. Do vậy, số lượng thành viên tham gia quá trình lưu thông hàng hóa đến người tiêu dùng cũng khác nhau.
Cấu trúc hệ thống phân phối, theo cách hiểu phổ biến, được quan niệm như là một nhóm các thành viên của hệ thống mà tập hợp các hoạt động được phân chia cho họ nhằm đảm bảo tính phù hợp nhất của việc bán sản phẩm hàng hóa cho người tiêu dùng cuối cùng.
Hệ thống phân phối của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thường có hai dạng đó là hệ thống phân phối trực tiếp và hệ thống phân phối qua các trung gian. Mỗi dạng có cấu trúc không giống nhau ở mỗi điều kiện sản xuất, kinh doanh khác nhau.
Tuy nhiên, để có cách nhìn khái quát, người ta có thể hiểu cấu trúc hệ thống phân phối hàng hóa của mỗi chủ thể thực chất là biểu hiện cụ thể của các địa chỉ/địa điểm của các thành viên/công việc phân phối cho các khách hàng tiêu dùng cuối cùng (khách hàng tiêu dùng cá nhân, khách hàng tiêu dùng tổ chức).
Cấu trúc hệ thống phân phối hàng hóa tiêu dùng cá nhân
Cấu trúc hệ thống phân phối hàng hóa công nghiệp (khách hàng tổ chức)
Hệ thống I là hệ thống phân phối trực tiếp. Người sản xuất trực tiếp thực hiện việc bán sản phẩm của mình cho người tiêu dùng cuối cùng thông qua lực lượng bán hàng của doanh nghiệp, hoặc tại các cửa hàng, hoặc đưa hàng đến tận nơi khách hàng yêu cầu.
Các hệ thống II, III, IV là hệ thống phân phối gián tiếp (qua các trung gian). Các chức năng và hoạt động tiêu thụ được phân chia cho các thành viên khác nhau trên cơ sở chức năng và hoạt động hợp với điều kiện người bán lẻ có qui mô lớn, có khả năng mua khối lượng hàng hóa lớn, có khả năng thực hiện tốt chức năng bán hàng của mình.
Hệ thống I là hệ thống phân phối trực tiếp, các thành viên trong hệ thống này là lực lượng bán hàng của doanh nghiệp, họ đảm nhiệm tất cả các chức năng của hoạt động tiêu thụ sản phẩm.
(Theo Giáo trình Kinh doanh thương mại, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)