Vận đơn vận tải đa phương thức (Multimodal Transport Bill of Lading) là gì?
Hình minh hoạ (Nguồn: northportlogistics)
Vận đơn vận tải đa phương thức
Khái niệm
Vận đơn vận tải đa phương thức hay vận đơn vận tải liên hợp trong tiếng Anh được gọi là Multimodal Transport Bill of Lading hay Combined Transport Bill of Lading.
Vận đơn vận tải đa phương thức là chứng từ vận chuyển hàng hóa theo ít nhất hai phương thức vận tải.
Trong vận tải đa phương thức, hàng hóa được vận chuyển từ nơi đi đầu tiên đến nơi đich cuối cùng bằng nhiều phương tiện, nhiều loại hình vận tải qua nhiều chặng đường khác nhau.
Với sự tham gia của nhiều người chuyên chở, vì vậy thường có một người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình vận tải, đó là người kinh doanh vận tải đa phương thức - là người kí kết hợp đồng vận tải và chịu trách nhiệm về việc chuyên chở hàng hóa như người chuyên chở duy nhất.
Ví dụ
Pre-carriage by TRUCK / 505 | Place of Receipt by pre-carriage HA NOI |
Intended vessel / Voyage No. MSC VANESSA / F455 | Port of Loading HAI PHONG |
Port of Discharge LYON PORT | Place of Delivery by on - carriage PRAHA |
TAKEN IN CHARGE IN HA NOI ON 23 JULY 2015 |
Trên đây là ví dụ về một số ô trên vận đơn vận tải đa phương thức, thể hiện các chặng và các phương tiện vận tải:
Chặng 1: từ Hà Nội đi đến cảng Hải Phòng bằng ô tô tải.
Chặng 2: từ cảng Hải Phòng đến cảng Lyon (Pháp) bằng tàu biển.
Chặng 3: từ cảng Lyon đi Praha bằng tàu hỏa/ô tô.
Những lưu ý
Từ ví dụ trên đây cần lưu ý khi sử dụng vận đơn vận tải đa phương thức.
- Nếu ngày nhận hàng để chở trùng với ngày phát hành vận đơn, không cần có ghi chú riêng về ngày nhận hàng, ngày phát hành chính là ngày giao hàng.
Ngược lại, ngày có ghi chú riêng về ngày nhận hàng sẽ được coi là ngày giao hàng.
- Nơi nhận hàng để xếp (Hà Nội) khác với cảng bốc hàng (Hải Phòng), nơi dỡ hàng (cảng Lyon) khác với nơi hàng đến cuối cùng (Praha).
Hành trình chuyên chở này phải có ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau tham gia.
- Khác với vận đơn thông thường, vận đơn vận tải đa phương thức được phát hành và có hiệu lực ngay tại nơi nhận hàng (khác với cảng bốc hàng), do đó không cần phải có ghi chú "On board" trên vận đơn, không cần phải chỉ ra tên con tàu mà hàng thực sự được bốc lên, có thể ghi tên con tàu dự định (Intended vessel).
Điều này hoàn toàn phù hợp với vận tải đa phương thức.
- Trên vận đơn không cần thể hiện ít nhất hai phương thức vận tải, miễn là theo logic bản thân vận đơn phải tự thỏa mãn điều đó.
(Tài liệu tham khảo: Chứng từ thương mại, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)