|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Thời trang nhanh (Fast Fashion) là gì? Lợi ích và các chỉ trích về thời trang nhanh

14:41 | 03/12/2019
Chia sẻ
Thời trang nhanh (tiếng Anh: Fast Fashion) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng và có giá cả phải chăng. Một số hãng thời trang nhanh nổi tiếng bao gồm Zara, H&M, UNIQLO và Topshop.
closer-look-at-fast-fashion-iii-fast-fashion-is-hurting-the-planet

Hình minh họa. Nguồn: industryglobalnews24.com

Thời trang nhanh

Khái niệm

Thời trang nhanh, hay còn được gọi là thời trang ăn liền, trong tiếng Anh là Fast Fashion.

Thời trang nhanh là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những món quần áo bắt kịp xu hướng nhanh chóng; chúng lấy ý tưởng từ những món đồ trong các buổi trình diễn thời trang và được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng. Thời trang nhanh cho phép người tiêu dùng mua quần áo hợp thời với giá cả phải chăng.

Một số hãng thời trang nhanh nổi tiếng bao gồm Zara, H&M, UNIQLO, GAP và Forever 21.

Thời trang nhanh trở nên phổ biến vì quần áo trở nên rẻ hơn, người tiêu dùng ngày càng thích các bộ quần áo hợp mốt và sức mua của họ cũng tăng lên. Nhờ vậy, thời trang nhanh đang thách thức các dòng sản phẩm được ra mắt theo mùa bởi các công ty thời trang truyền thống nổi tiếng. 

Trên thực tế, các nhà bán lẻ thời trang nhanh thậm chí có thể ra mắt sản phẩm mới nhiều lần trong một tuần để theo kịp xu hướng.

Thời trang nhanh được thực hiện nhờ những đổi mới trong quản lí chuỗi cung ứng của các nhà bán lẻ thời trang. Mục tiêu của nó là sản xuất các mặt hàng quần áo một cách nhanh chóng với chi phí thấp. Những quần áo này đáp ứng các nhu cầu nhanh chóng thay đổi của người tiêu dùng. 

Thời trang nhanh liên kết nhà sản xuất với người tiêu dùng trong mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Tốc độ của thời trang nhanh đòi hỏi cần có sự hợp tác này, vì việc tinh chỉnh và tăng tốc các qui trình chuỗi cung ứng là tối quan trọng.

Lợi ích của thời trang nhanh

Thời trang nhanh có lợi cho các nhà bán lẻ vì việc các sản phẩm mới liên tục ra mắt khuyến khích khách hàng đến cửa hàng thường xuyên hơn, đồng nghĩa với việc họ sẽ mua nhiều hàng hơn. 

Tốc độ dịch chuyển nhanh chóng của thời trang nhanh giúp các nhà bán lẻ tránh được việc phải giảm giá khiến lợi nhuận sụt giảm. Các công ty không bổ sung thêm số lượng của một mẫu quần áo mà thay thế nó bằng một mẫu quần áo khác. Do đó, người tiêu dùng sẽ mua mặt hàng mà họ thích bất kể nó có giá bao nhiêu, vì họ biết rằng nó sẽ không tồn tại lâu trong cửa hàng.

Thời trang nhanh cũng mang lại lợi nhuận lớn, đặc biệt nếu một nhà bán lẻ có thể bắt kịp  xu hướng trước các đối thủ cạnh tranh. Và nếu có bất kì tổn thất nào, các nhà bán lẻ thời trang có thể phục hồi nhanh chóng bằng cách tung ra một dòng quần áo hoặc sản phẩm mới. 

Và bởi vì quần áo rẻ (và được sản xuất với chi phí thấp), các công ty rất dễ dàng khuyến khích người tiêu dùng quay lại cửa hàng để mua quần áo mới với kiểu dáng mới nhất.

Các chỉ trích về thời trang nhanh

Thời trang nhanh bị chỉ trích vì nó khuyến khích người tiêu dùng lãng phí và vứt bỏ quần áo. Các chỉ trích khác bao gồm: thời trang nhanh góp phần gây ô nhiễm, sản phẩm chất lượng thấp và điều kiện làm việc tồi tệ ở các nước đang phát triển - nơi sản xuất nhiều quần áo theo thời trang nhanh. 

Và do quần áo của thời trang nhanh phần lớn được sản xuất ở nước ngoài, nó bị coi là gây ra sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ.

Xu hướng này cũng đã bị chỉ trích trên cơ sở sở hữu trí tuệ, một số nhà thiết kế cho rằng thiết kế của họ đã bị các nhà bản lẻ sản xuất hàng loạt bất hợp pháp.

(Theo investopedia)

Giang