Loại hình kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng là gì? Đặc điểm
Hình minh hoạ (Nguồn: ilikesqldata)
Loại hình kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng
Khái niệm .
Loại hình kinh doanh hàng công nghiệp tiêu dùng là kinh doanh các thứ phục vụ việc ăn, mặc, ở, đi lại... của con người.
Hệ thống thương mại chủ yếu kinh doanh các mặt hàng dệt, bách hoá phẩm, ngũ kim dân dụng, đồ điện, thực phẩm. Mỗi loại hàng hoá nói trên gồm nhiều chủng loại, rất đa dạng.
Đặc điểm
Thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng thường biến động lớn và phức tạp, có những đặc điểm sau:
- Nhiều người mua. Hàng công nghiệp tiêu dùng gắn với cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Các thành viên trong xã hội đều có nhu cầu tiêu dùng.
- Sự khác biệt giữa người tiêu dùng rất lớn: Các tập đoàn xã hội, các thành phần trong thành phố khác nhau về nghề nghiệp, dân tộc, giới tính, độ tuổi, trình độ văn hoá, tập quán sinh hoạt, nên tiêu dùng của họ cũng có những đặc thù riêng và khác biệt nhau.
- Mỗi lần mua không nhiều, lặt vặt và phân tán, vì nhu cầu đời sống rất đa dạng, quá trình tiêu dùng chia làm nhiều lần và phân tán, bảo quản gặp khó khăn.
- Người tiêu dùng ít hiểu biết về hàng hoá có hệ thống.
Trên thị trường có hàng chục ngàn mặt hàng, dù người ta đã tận dụng nhiều phương thức giới thiệu hàng hoá, nhưng người tiêu dùng vẫn không thể biết hết được địa chỉ sản xuất, chất lượng, đặc tính, công dụng và cách dùng của tất cả các loại hàng hoá. Sự hiểu biết về sản phẩm mới càng ít...
- Sức mua biến đổi lớn. Sức mua của người tiêu dùng có hạn nên họ thường cân nhắc khi cần mua sắm hàng hoá và lựa chọn cũng rất kĩ càng, dẫn tới sự biến động lớn về sức mua ở các cửa hàng địa phương và các địa phương khác nhau.
Đồng thời, hàng tiêu dùng có thể thay thế lẫn nhau, người tiêu dùng có thể căn cứ tình hình nhu cầu và giá cả lên xuống trên thị trường để lựa chọn hàng hoá, cho nên dẫn tới sức mua biến đổi giữa các mặt hàng khác nhau.
Nguyên tắc kinh doanh
- Phải kinh doanh những hàng hoá dịch vụ có chất lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng
- Trong kinh doanh trước hết phải lôi cuốn khách hàng, rồi sau đó mới nghĩ đến cạnh tranh
- Trong kinh doanh mỗi khi làm lợi cho mình thì đồng thời phải làm lợi cho khách hàng
- Tìm kiếm thị trường đang lên và chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng
- Đầu tư vào tài năng và nguồn lực để tạo ra được nhiều giá trị sản phẩm dịch vụ
- Nhận thức và nắm cho được nhu cầu của thị trường để đáp ứng đầy đủ
(Tài liệu tham khảo: Tổ chức kinh doanh hàng hoá theo cơ chế thị trường, ĐH Kinh tế Quốc dân)