|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Quản lí chi ngân sách nhà nước là gì? Nguyên tắc quản lí

14:44 | 07/05/2020
Chia sẻ
Quản lí chi ngân sách nhà nước là một bộ phận trong công tác quản lí ngân sách nhà nước.
Quản lí chi ngân sách nhà nước là gì? Nguyên tắc quản lí - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Seattletimes)

Quản lí chi ngân sách nhà nước

Khái niệm

Quản lí chi ngân sách nhà nước là một bộ phận trong công tác quản lí ngân sách nhà nước (NSNN) và cũng là một bộ phận trong công tác quản lí nói chung.

Xét theo nghĩa rộng, quản lí chi NSNN là việc sử dụng NSNN làm công cụ quản lí hệ thống xã hội thông qua các chức năng vốn có; theo nghĩa hẹp, quản lí chi NSNN là quản lí các đầu ra của NSNN thông qua các công cụ và qui định cụ thể.

Quản lí chi NSNN giữ một vị trí đặc biệt quan trọng bởi NSNN luôn giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống các khâu tài chính, bảo đảm thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Nhà nước, điều tiết vĩ mô nền kinh tế để thực hiện các mục tiêu chiến lược của quốc gia.

Quản lí chi NSNN góp phần quan trong để NSNN phát huy được vai trò chủ đạo đó và NSNN thực sự trở thành công cụ hữu hiệu hướng tới mục tiêu đã định...

Vị trí quan trọng của công tác quản lí chi NSNN được thể hiện rõ nét thông qua quá trình định hướng, hoạch định chính sách, ban hành cơ chế, tiêu chuẩn, định mức để thực hiện chức năng vốn có của ngân sách.

Nguyên tắc quản lí chi NSNN

Trong bất kì nền kinh tế nào, chi ngân sách phải tuân thủ những nguyên lí nhất định, những đòi hỏi đó càng trở thành yêu cầu bắt buộc bởi tính đa dạng phong phú cũng như mục tiêu hiệu quả là những đặc trưng cơ bản đối với nền kinh tế thị trường.

- Chi ngân sách phải đảm bảo kỉ luật tài chính tổng thể.

- Ngân sách nói chung và chi ngân sách nói riêng phải gắn với chính sách kinh tế gắn với mục tiêu phát triển kinh tế trung và dài hạn.

- Chi ngân sách phải đảm bảo tính minh bạch, công khai trong cả qui trình từ khâu lập, tổ chức thực hiện, quyết toán, báo cáo và kiểm toán.

- Chi ngân sách phải cân đối hài hoà giữa ngành, địa phương, giữa trung ương địa phương, kết hợp giải quết ưu tiên chiến lược trong trong năm với trung và dài hạn.

- Chi ngân sách phải gắn kết giữa chi đầu tư và chi thường xuyên.

- Quản lí chi NSNN phải là tác động đòn bẩy để thúc đẩy các thành phần khác tham gia cung cấp dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đa dạng, phong phú của mọi đối tượng

(Tài liệu tham khảo: Tổng quan về quản lí ngân sách Nhà nước, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, 2014)

Tuyết Nhi