Phương thức quản lí chi ngân sách nhà nước là gì?
Phương thức quản lí chi ngân sách nhà nước
Khái niệm
Phương thức quản lí chi ngân sách nhà nước được hiểu là tổng hợp tất cả các cách thức, biện pháp được áp dụng để quản lí chi ngân sách theo một qui trình thống nhất nhằm đạt các mục tiêu chi ngân sách đã định.
Như vậy, phương thức quản lí chi NSNN bao gồm trong nó hai nội hàm: mục tiêu chi ngân sách và qui trình thực hiện các biện pháp để đạt được mục tiêu đã định.
- Mục tiêu chi ngân sách cần được xác định rõ ràng, bao gồm mục tiêu tổng quát và cụ thể; mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu chiến lược. Các chế độ xã hội khác nhau và các Nhà nước khác nhau có mục tiêu chi ngân sách không giống nhau. Mục tiêu chi ngân sách là nhân tố quan trọng cấu thành và tác động đến phương thức quản lí chi ngân sách.
- Sau khi xác định được mục tiêu chi ngân sách, cấp quản lí ngân sách sẽ tìm kiếm các biện pháp để xây dựng thành một qui trình thống nhất, chặt chẽ, đảm bảo được mục tiêu chi ngân sách đã định. Đây là những khâu tác nghiệp cụ thể trong qui trình quản lí chi ngân sách.
Qui trình
Phương thức quản lí chi là một qui trình thống nhất bao gồm từ khâu lập dự toán đến thẩm định dự toán, công bố dự toán, chấp hành dự toán, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh ngân sách.
Chi NSNN là quá trình khá phức tạp bao gồm 2 giai đoạn kế tiếp nhau là phân bổ (phân phối) và sử dụng (chi tiêu) quĩ NSNN. Chính phủ của các quốc gia đều có mong muốn làm sao các khoản chi ngân sách phải đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm.
Từ đó, người ta đã áp dụng nhiều yếu tố, như chính sách, cơ chế, biện pháp khác nhau để quản lí chi NSNN. Tập hợp tất cả các yếu tố đó được gọi chung là phương thức quản lí chi NSNN.
Phương thức
Xét theo tính chất hình thành các khoản chi, từ trước đến nay đã có 3 phương thức chi được áp dụng phổ biến là: Quản lí chi theo yếu tố đầu vào (còn gọi là phương thức quản lí truyền thống); quản lí chi ngân sách theo kết quả đầu ra; Quản lí chi ngân sách theo chương trình dự án.
Hiện nay đang có xu hướng thay thế phương thức quản lí chi truyền thống, tức là lập dự toán theo dòng mục gồm các yếu tố đầu vào, tổ chức thực hiện và giám sát mức độ chi phí theo dự toán và quyết toán theo dòng mục tương ứng với dự toán duyệt bằng một số phương thức quản lí mới tiên tiến hơn.
Sở dĩ như vậy là vì, phương thức quản lí như trên không cho biết ngân sách có được gắn với kế hoạch kinh tế vĩ mô hay không, cũng như tách biệt về không gian và thời gian với các mục tiêu chương trình phát triển kinh tế và không nói lên điều gì về quá trình chi ngân sách như vậy đạt kết quả và hiệu quả như thế nào.
Do đó, hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, các phương thức quản lí chi ngân sách mới (chi ngân sách theo kết quả đầu ra và chi theo chương trình dự án), đang được áp dụng ngày càng phổ biến, kể cả các nước phát triển và đang phát triển.
(Tài liệu tham khảo: Một số vấn đề về cách thức quản lí chi ngân sách nhà nước hiện nay, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, 2014)