Phương pháp thu thập tài liệu là gì? Nội dung
Phương pháp thu thập tài liệu
Khái niệm
Phương pháp thu thập tài liệu trong tiếng Anh tạm dịch là: Method of document collection.
Phương pháp thu thập tài liệu là phương pháp sử dụng nhằm có được hệ thống số liệu, tình hình thực tế sử dụng cho việc phân tích đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội.
Phương pháp thu thập tài liệu là một trong những phương pháp được sử dụng để đánh giá thực hiện kế hoạch kì gốc X trong qui trình kĩ thuật lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung
Nội dung của phương pháp này bao gồm:
- Thu thập các tài liệu thứ cấp
Trên thực tế có thể phần lớn các nội dung cần phân tích về thực trạng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội đều có sắn trong các công bố của các cơ quan, tổ chức ở cả cấp trung ương và địa phương hay các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trên đị bàn.
Thông qua việc thu thập và tổng hợp tài liệu sẽ giúp chúng ta giảm thiêu được rất nhiều nội dung cần điều tra, bảo đảm rằng chúng ta không phải làm lại những cái mà trước đó đã làm rất tốt, rằng bạn sẽ không "phát minh lại chiếc bánh xe".
Theo đó, trước khi bắt đầu phân tích tình hình, cần bảo đảm rằng tất cả các nghiên cứu quá khứ và hiện tại về phát triển kinh tế - xã hội của chủ thể xây dựng hoạch định đã được thu thập. Điều này giúp giảm thiểu được các chi phí về thời gian và tiền bạc cho việc điều tra các nội dung cần thiết.
- Thu thập các dữ liệu trực tiếp thông qua điều tra, khảo sát
Để công tác điều tra, khảo sát được thực hiện có hiệu quả, cần xác định được các nhóm đối tượng trọng tâm cần nghiên cứu, từ đó xây dựng các phếu điều tra/bảng hỏi để tiến hành điều tra. Các nội dung và trình tự cần thực hiện là:
+ Nội dung điều tra: đây là vấn đề quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của mục tiêu thu thập dữ liệu đặt ra. Do vậy, trước khi xây dựng nội dung điều tra (các bảng hỏi), chúng ta cần làm rõ mục tiêu: điều tra lĩnh vực nào, đối tượng điều tra là ai (các doanh nghiệp, các hộ gia đình...).
+ Phạm vi qui mô, địa điểm điều tra: tùy theo ngân sách dành cho điều tra và yêu cầu chọn mẫu, chúng ta cần dự kiến được phạm vi điều tra phù hợp, có tính đến tính đại diện (số lượng các huyện, xã, thôn cần tiến hành điều tra), từ đó xác định số lượng mẫu điều tra (bao nhiêu người, hộ, doanh nghiệp...) và địa điểm điều tra.
+ Phương pháp tổ chức điều tra: có nhiều phương pháp điều tra có thể được đề xuất để từ đó xác định phương pháp phù hợp.
Điều tra trực tiếp là phương pháp chủ yếu được thực hiện thông qua các biện pháp như hẹn và trực tiếp gặp đối tượng để phỏng vấn sâu về các vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế địa phương; gặp, phỏng vấn trực tiếp đối tượng theo nội dung chuẩn bị trước; hoặc phỏng vấn qua điện thoại theo các nội dung trong phiếu điều tra.
Điều tra gián tiếp có nhiều phương pháp khác nhau như gửi phiếu điều tra cho đối tượng cần điều tra qua thư và đề nghị họ chuyển lại qua thư theo địa chỉ yêu cầu; gửi phiếu điều tra cho đối tượng điều tra sau đó đôn đốc và quay trở lại nhận phiếu sau khi đã được hoàn thiện...
+ Tổ chức điều tra: Cần có sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng, thành phần tham gia quá trình điều tra, thời gian điều tra phù hợp. Tiến hành tập huấn cán bộ điều tra chủ yếu theo các nội dung trong phiếu điều tra và các vấn đề khác có thể phát sinh trong quá trình điều tra.
(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)