|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kế hoạch phát triển là gì? Các bộ phận cấu thành

15:49 | 21/04/2020
Chia sẻ
Kế hoạch phát triển là công cụ để quản lí, điều tiết các hoạt động kinh tế, xã hội diễn ra trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể.
Kế hoạch phát triển là gì? Các bộ phận cấu thành - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Bamboohr)

Kế hoạch phát triển

Khái niệm

Kế hoạch phát triển trong tiếng Anh gọi là: Development plan.

Kế hoạch phát triển là một công cụ định hướng và triển khai thực hiện chiến lược và qui hoạch phát triển, nó xác định hệ thống các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu cần đạt được trong một thời kì nhất định (gọi là kì kế hoạch) và các giải pháp, các cơ chế chính sách cần thiết thực hiện.

Trong hệ thống kế hoạch hóa ở Việt Nam, kế hoạch đóng vai trò là công cụ tổ chức triển khai, theo dõi đánh giá các hoạt động kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhất định. 

Với chức năng cụ thể hóa chiến lược và qui hoạch phát triển, kế hoạch có nhiệm vụ cụ thể hóa các mục tiêu định hướng của chiến lược phát triển và các phương án qui hoạch tổ chức sản xuất để từng bước thực hiện và biến chiến lược, qui hoạch thành thực tế cuộc sống. 

Kế hoạch phát triển được thể hiện rõ nhất (so với chiến lược và qui hoạch) qua hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và những giải pháp, chính sách thích hợp với từng giai đoạn.

So sánh đặc trưng của kế hoạch với chiến lược phát triển

- Tính phân đoạn trong kế hoạch chặt chẽ hơn;

- Tính định lượng cụ thể hơn;

- Tính kết quả và hiệu quả rõ ràng hơn

Bộ phận cấu thành

Các bộ phận cấu thành hệ thống kế hoạch phát triển

- Nếu xét về tính chất, nội dung, có thể phân loại hệ thống kế hoạch phát triển thành hai nhóm là các kế hoạch mục tiêu và các kế hoạch biện pháp. 

Nhóm các kế hoạch mục tiêu, gồm có: kế hoạch tăng trưởng kinh tế, kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các ngành lĩnh vực kinh tế; kế hoạch phát triển vùng kinh tế; kế hoạch nâng cao phúc lợi xã hội. 

Nhóm kế hoạch biện pháp bao gồm: kế hoạch vốn đầu tư kế hoạch lao động - việc làm; kế hoạch ngân sách, kế hoạch cung ứng tiền tệ; kế hoạch cân đối thương mại và thanh toán quốc tế.

- Nếu xét theo góc độ thời gian: có thể có các loại kế hoạch dài hạn 10 năm; kế hoạch trung hạn 5 năm hoặc 3 năm; kế hoạch ngắn hạn 1 năm và dưới 1 năm. 

Ở Việt Nam hiện nay, trên tầm vĩ mô chúng ta có kế hoạch trung hạn 5 năm và kế hoạch ngắn hạn 1 năm. Kế hoạch 5 năm được xây dựng trước mỗi kì Đại hội Đảng. Kế hoạch 5 năm là cơ sở và định hướng cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm.

(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)

Tuyết Nhi