Kế hoạch tài chính 5 năm (5-year Financial Plan) là gì? Căn cứ lập kế hoạch
Kế hoạch tài chính 5 năm (5-year Financial Plan)
Kế hoạch tài chính 5 năm - danh từ, trong tiếng Anh tạm dịch là 5-year Financial Plan.
Kế hoạch tài chính 5 năm là kế hoạch tài chính được lập trong thời hạn 5 năm cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Kế hoạch tài chính 5 năm xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể về tài chính - ngân sách nhà nước; các định hướng lớn về tài chính, ngân sách nhà nước; số thu và cơ cấu thu nội địa, thu dầu thô, thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; số chi và cơ cấu chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, chi thường xuyên; định hướng về bội chi ngân sách; giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch. (Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015)
Vai trò
a) Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương; cân đối, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công và ngân sách nhà nước trong trung hạn; thúc đẩy việc công khai, minh bạch ngân sách nhà nước;
b) Làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước;
c) Định hướng cho công tác lập dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm.
Căn cứ lập kế hoạch tài chính 5 năm
Đối với quốc gia
a) Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn trước;
b) Mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước trong Chiến lược quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; các chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế;
c) Qui định của pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, bao gồm cả điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc gia nhập; định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong thời gian 5 năm kế hoạch;
d) Dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian 5 năm kế hoạch;
đ) Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm.
Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn trước của địa phương;
b) Mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước trong Chiến lược quốc gia, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; các chiến lược về tài chính, nợ công, cải cách hệ thống thuế; và những mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian 5 năm kế hoạch của địa phương; qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt của địa phương;
c) Dự báo tình hình kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến khả năng huy động và nhu cầu sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước của địa phương trong thời gian 5 năm kế hoạch;
d) Qui định của pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước, bao gồm cả cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; định hướng sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong thời gian 5 năm kế hoạch;
đ) Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm. (Theo Nghị định Số: 45/2017/NĐ-CP)