Lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội là gì? Qui trình
Lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội
Khái niệm
Lập kế hoạch hành động hay lập kế hoạch hành động phát triển kinh tế - xã hội là cách thức để xác định rõ ràng mỗi cấp kế hoạch cần làm gì, khi nào và ai là người chịu trách nhiệm thực hiện.
Một khi phương án kế hoạch phát triển đã được lựa chọn và chấp nhận, nó cần được triển khai trong thực tế. Một kế hoạch hành động bao gồm sự mô tả các nhiệm vụ cụ thể và các hành động cần thiết để thực thi phương án chiến lược đã chọn.
Một kế hoạch hành động cần có tính khả thi trong điều kiện giới hạn về thời gian và nguồn lực (nguồn lực ngân sách, hành chính, ràng buộc chính sách,...).
Việc xây dựng kế hoạch hành động mang lại nhiều lợi ích cho các nhà quản lí. Quá trình lập kế hoạch hành động là cơ hội cho phép kiểm tra lại phương án kế hoạch phát triển nhằm đảm bảo rằng phương án đã chọn là thực tế và khả thi.
Lập kế hoạch hành động cũng làm rõ việc các nguồn lực sẽ được triển khai như thế nào, ai sẽ làm gì và khi nào.
Xác định các nhiệm vụ kế hoạch theo cách này cũng cho phép dự toán ngân sách rõ ràng và đánh giá một cách thực tế những công việc còn đang ở phía trước. Các kế hoạch hành động cũng giúp chúng ta xây dựng được sự tin tưởng giữa những người tham gia và giúp họ đảm bảo hoàn thành công việc.
Lập kế hoạch hành động là một trong hai nhiệm vụ của tổ chức thực hiện kế hoạch
Qui trình lập kế hoạch hành động
Để đảm bảo xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể và hành động cần thiết, trong điều kiện giới hạn về nguồn lực, quá trình lập kế hoạch hành động sẽ phải trải qua các nội dung chính như sau:
Từ phân tích thực trang kinh tế - xã hội và tầm nhìn, mục tiêu
→ Phương án kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội → Liệt kê các nhiệm vụ và hành động cần thực hiện → Xác định các đối tượng tham gia triển khai hành động → Xác định các nguồn lực cần phân bổ → Xác định cụ thể khung thời gian cho mỗi hành động → Dự kiến các rủi ro, các nội dung còn thiếu → Khẳng định lại sự cam kết của các bên liên quan → Thống nhất cơ chế điều phối → Thống nhất cơ chế theo dõi tác động.
(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)