|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tầng xã hội (Social Stratification) ở đô thị là gì?

11:50 | 03/10/2019
Chia sẻ
Phân tầng xã hội (tiếng Anh: Social Stratification) là một trong những khái niệm cơ bản của xã hội học.
20180930173649891

Hình minh họa (Nguồn: SlideShare)

Phân tầng xã hội (Social Stratification)

Phân tầng xã hội - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Social Stratification.

Phân tầng xã hội là một trong những khái niệm cơ bản của xã hội học đô thị. Nó được định nghĩa là sự xếp hạng một cách ổn định các vị trí trong xã hội xét từ góc độ quyền lực, uy tín hoặc các đặc quyền đặc lợi không ngang nhau. 

Trong sự phân tầng xã hội, có các "tầng", mỗi tầng là một tập hợp người (cá nhân) giống nhau về địa vị/vị thế, bao gồm địa vị kinh tế, địa vị chính trị hay địa vị xã hội, từ đó mà họ có được những cơ hội thăng tiến, sự phong thưởng và những thứ bậc nhất định trong xã hội. Sự phân tầng xã hội thường được mô tả dưới dạng các "tháp phân tầng" với những hình dáng khác nhau tùy thuộc vào đặc trưng của các loại xã hội. (Theo Giáo trình Xã hội học Đô thị, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)

Phân tầng xã hội theo thu nhập và mức sống

Một số nhà nghiên cứu Mỹ đã đề xuất khái niệm "địa vị kinh tế - xã hội" (viết tắt là SES) với việc sử dụng các chỉ báo về uy tín nghề nghiệp, học vấn và mức thu nhập của một người nào đó. Ba chỉ báo này có quan hệ khá mật thiết với nhau và trong một mức độ nào đó cho thấy cá nhân đó được đặc trưng bởi một địa vị kinh tế - xã hội nào. 

Việc đánh giá và xếp hạng uy tín nghề nghiệp được xem là một vấn đề khó khăn về mặt phương pháp. Nhìn chung người ta cho rằng, uy tín nghề nghiệp, mức độ thu nhập và học vấn chuyên môn là ba tham số quan trọng nói lên địa vị kinh tế - xã hội của một cá nhân, qui định cá nhân đó thuộc vào giai tầng nào trong các thang bậc vị thế xã hội cụ thể.

Như vậy, các nhà xã hội học đô thị chú ý đến ba hệ thống phân tầng: theo tài sản, thu nhập, theo quyền lực, và theo uy tín. Trong những xã hội cụ thể, thường có sự đan xen các yếu tố, dấu hiệu đều có những khó khăn riêng trong việc tiếp cận và đo lường chúng, đặc biệt đối với các dấu hiệu quyền lực và uy tín.

Nhìn chung, người ta đều thừa nhận rằng, việc đo lường chính xác những khác biệt về kinh tế và thu nhập là không dễ dàng, nhất là trong các xã hội đang phát triển. Nhưng dù sao việc đo lường các khác biệt về kinh tế còn dễ hơn nhiều so với hai lĩnh vực còn lại trong định nghĩa về phân tầng xã hội, tức là đo lường sự khác biệt về quyền lực chính trị và uy tín xã hội. (Theo Giáo trình Xã hội học Đô thị, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)

Khai Hoan Chu