|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân biệt đối xử chống công đoàn (anti-union discrimination) là gì?

09:52 | 12/02/2020
Chia sẻ
Phân biệt đối xử chống công đoàn (tiếng Anh: anti-union discrimination) là các hành vi không công bằng trong lao động của người sử dụng lao động đối với cán bộ công đoàn, đoàn viên.
Phân biệt đối xử chống công đoàn (anti-union discrimination) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: infopopurri)

Phân biệt đối xử chống công đoàn

Khái niệm

Phân biệt đối xử chống công đoàn trong tiếng Anh: anti-union discrimination.

Phân biệt đối xử chống công đoàn bao gồm các hành vi không công bằng trong lao động của người sử dụng lao động đối với cán bộ công đoàn, đoàn viên hoặc người lao động vì lí do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn.

Hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn sẽ làm tê liệt hoạt động của công đoàn, làm cho công đoàn không dám đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, không dám thương lượng tập thể.

Các hình thức phân biệt đối xử chống công đoàn

Các hình thức phân biệt đối xử chống công đoàn thường gặp trên thực tế: 

- Phân biệt đối xử trong tuyển dụng, ví dụ: không tuyển dụng người lao động là đoàn viên công đoàn hoặc đã từng là cán bộ công đoàn hoạt động tích cực. 

- Phân biệt đối xử trong quá trình làm việc: 

• Ví dụ 1: Không kí lại hợp đồng lao động đối với người lao động là đoàn viên công đoàn hoặc cán bộ công đoàn 

• Ví dụ 2: Loại trừ đoàn viên công đoàn hoặc cán bộ công đoàn ra khỏi danh sách khen thưởng của công ty 

• Ví dụ 3: Cản trở, gây khó khăn hoặc phân biệt đối xử (hoặc tạo ra những bất lợi) về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm không khuyến khích việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động, bao gồm cả việc tham gia hoạt động đình công. 

• Ví dụ 4: Cố tình điều chuyển hoặc thay đổi công việc của người lao động là đoàn viên hoặc cán bộ công đoàn sang các công việc khác nhàm chán hoặc thu nhập thấp hơn... 

- Phân biệt đối xử trong sa thải:

• Ví dụ 1: Sa thải người lao động vì lí do hoạt động công đoàn hoặc là cán bộ công đoàn hoặc tham gia hoạt động công đoàn, bao gồm cả đình công. 

• Ví dụ 2: Tinh giản lực lượng lao động đối với người lao động là đoàn viên công đoàn hoặc cán bộ công đoàn.

(Tài liệu tham khảo: Công ước số 98 năm 1949 của ILO về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Vụ Pháp chế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Tuyết Nhi