|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tồn ngân Kho bạc Nhà nước là gì? Nguyên tắc quản lí

16:08 | 06/02/2020
Chia sẻ
Toàn bộ số tiền Việt Nam và ngoại tệ hiện có trong tay một đơn vị Kho bạc Nhà nước tại một thời điểm nhất định được gọi là tồn ngân của đơn vị Kho bạc Nhà nước tại thời điểm đó.
Tồn ngân Kho bạc Nhà nước là gì? Nguyên tắc quản lí - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: zacks)

Tồn ngân Kho bạc Nhà nước

Khái niệm

Toàn bộ số tiền Việt Nam và ngoại tệ hiện có trong tay một đơn vị Kho bạc Nhà nước (hoặc toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước) tại một thời điểm nhất định được gọi là tồn ngân của đơn vị Kho bạc Nhà nước (hoặc toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước) tại thời điểm đó.

Như vậy, tồn ngân Kho bạc Nhà nước bao gồm tiền Việt Nam và nhiều loại ngoại tệ khác; mỗi loại tiền lại có thể gồm tiền mặt và tiền gửi tại Ngân hàng. Tồn ngân Kho bạc Nhà nước thể hiện khả năng sẵn sàng thanh toán của Kho bạc Nhà nước.

Thống nhất quản lí và điều hoà

Sự cần thiết của việc thống nhất quản lí và điều hoà tồn ngân Kho bạc Nhà nước

- Thứ nhất, Kho bạc Nhà nước là một hệ thống thống nhất, nhưng khả năng thanh toán bằng tiền của từng đơn vị Kho bạc Nhà nước lại chỉ gồm số tiền có trên tài khoản tại Ngân hàng và tồn quĩ tiền mặt của mình.

- Thứ hai, do hoạt động thu, chi hộ giữa các đơn vị Kho bạc Nhà nước.

- Thứ ba, do Kho bạc Nhà nước chi hộ ngân sách nhà nước

Nguyên tắc quản lí và điều hoà

Các nguyên tắc quản lí và điều hoà tồn ngân Kho bạc Nhà nước bao gồm:

- Thứ nhất, Tồn ngân kho bạc Nhà nước do Kho bạc Nhà nước (Ban Kế hoạch tổng hợp) điều hành tập trung thống nhất để đảm bảo nhu cầu thanh toán, chi trả cho các đơn vị thụ hưởng và đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước.

- Thứ hai, theo lệnh của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước thực hiện điều hoà tồn ngân cho các Kho bạc Nhà nước tỉnh. 

Kho bạc Nhà nước tỉnh quản lí, điều hoà tồn ngân trên địa bàn tỉnh, trực tiếp điều hoà tồn ngân cho các Kho bạc Nhà nước huyện.

- Thứ ba, đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả tại mỗi Kho bạc Nhà nước và trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước ở mọi thời điểm phát sinh nhu cầu thanh toán chi trả.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản lí Tài chính công, PGS.TS Dương Đăng Chinh, NXB Tài chính, 2009)

Diệu Nhi