Nguyên tắc quản lí (Principles of management) là gì?
Nguyên tắc quản lí (Principles of management)
Định nghĩa
Nguyên tắc quản lí tạm dịch trong tiếng Anh là Principles of management.
Nguyên tắc quản lí là những qui tắc chỉ đạo, những tiêu chuẩn hành vi, những quan điểm cơ bản có tác dụng chi phối mọi hoạt động quản lí mà các nhà quản lí phải tuân thủ.
Hiểu theo cách đơn giản, nguyên tắc quản lí là tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các nhà quản lí thực hiện quản lí đúng cách và hiệu quả.
Đặc trưng và vai trò của các nguyên tắc quản lí
- Trong quá trình vận dụng qui luật khách quan vào quản lí, bước cơ bản nhất là phân tích thực trạng của hệ thống, nhận thức các qui luật khách quan để đề ra các nguyên tắc quản lí làm cơ sở cho việc tiến hành các hoạt động quản lí.
- Qui tắc chỉ đạo qui định tính xuyên suốt, chi phối toàn bộ quá trình quản lí, qui định tính nguyên tắc bắt buộc phải thực hiện.
- Tiêu chuẩn hành vi qui định chuẩn mực đánh giá hoạt động quản lí.
- Quan điểm cơ bản trong quản lí nói lên tính định hướng và phạm vi quản lí, đòi hỏi các nhà quản lí phải nắm vững và kiên định thực hiện trong mọi hành động quản lí và trong suốt quá trình quản lí.
- Nguyên tắc quản lí có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác quản lí, nó định hướng, hướng dẫn hoạt động quản lí, đảm bảo cho quản lí đi đúng quĩ đạo và đạt được các mục tiêu đề ra. Vì vậy, trong công tác quản lí phải đề ra và chấp hành đúng hệ thống nguyên tắc quản lí.
Những căn cứ hình thành nguyên tắc quản lí
Các nguyên tắc quản lí do con người đặt ra những không phải từ ý chí chủ quan mà phải dựa vào những căn cứ sau:
- Mục tiêu của tổ chức
Mục tiêu của tổ chức là trạng thái tương lai, là cái đích phải hướng tới. Nó định hướng, chi phối sự vận động của toàn bộ tổ chức, phải căn cứ vào mục tiêu để quản lí và quản lí vì mục tiêu. Nguyên tắc quản lí đặt ra cũng nhằm để thực hiện mục tiêu. Do đó, mục tiêu là cơ sở đề ra các nguyên tắc quản lí.
- Yêu cầu các qui luật khách quan có liên quan đến sự tồn tại và phát triển của tổ chức
Hệ thống qui luật khách quan là cơ sở lí luận trực tiếp hình thành các nguyên tắc quản lí. Chỉ trên cơ sở tuân thủ yêu cầu của các qui luật khách quan, các nguyên tắc quản lí mới chứa đựng nội dung khoa học đảm bảo cho công tác quản lí đạt hiệu quả.
Nghệ thuật của việc đề ra các nguyên tắc quản lí là ở chỗ biến được đòi hỏi của các qui luật khách quan thành nội dung của các nguyên tắc quản lí.
- Thực trạng và xu thế phát triển của tổ chức
Việc đề ra các nguyên tắc quản lí cần phải trên cơ sở nghiên cứu và nắm vững thực trạng của tổ chức. Các nguồn lực của tổ chức (tài chính, vật tư, thiết bị, lao động, tài nguyên, năng lực của đội ngũ các nhà quản lí...) các điểm mạnh, yếu, xu thế phát triển trong tương lai của tổ chức. Đây là những căn cứ quan trọng để đề ra các nguyên tắc quản lí cho tổ chức.
- Các ràng buộc của môi trường
Trong xu thế toàn cầu hóa với hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường hoạt động của các tổ chức cũng luôn thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh. Các nhà quản lí phải đối mặt với một nhiệm vụ hết sức khó khăn là phải chuẩn bị và thích nghi với những thay đổi đó thay vì thụ động tuân theo.
Do vậy nhận thức được các khuynh hướng và dữ kiện của sự thay đổi môi trường bên ngoài là một trong các căn cứ để đề ra các nguyên tắc quản lí. Ngoài ra kinh nghiệm quản lí của một quốc gia, các doanh nghiệp thành đạt trên thế giới cũng là các căn cứ quan trọng để đề ra các nguyên tắc quản lí.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Khoa học quản lí, NXB Tài chính; Quora)