Nguyên tắc biểu quyết theo đa số là gì?
Nguyên tắc biểu quyết theo đa số
Định nghĩa
Nguyên tắc biểu quyết theo đa số (hay nguyên tắc biểu quyết theo đa số tương đối) là nguyên tắc qui định: một vấn đề chỉ được thông qua khi và chỉ khi có hơn một nửa số người bỏ phiếu cùng nhất trí.
Nội dung của nguyên tắc biểu quyết theo đa số
Để hiểu hơn về nguyên tắc biểu quyết theo đa số, chúng ta có thể xem xét ví dụ sau:
Một cộng đồng có ba cử tri (cử tri 1, cử tri 2, cử tri 3) và họ phải lựa chọn ba mức chi tiêu cho quốc phòng (A là mức chi tiêu ít nhất, B là mức chi tiêu trung bình, C là mức chi tiêu lớn nhất).
Để đơn giản, chúng ta phải giả định rằng, dù mức chi tiêu nào được lựa chọn thì chi phí của nó cũng sẽ được chia sẻ đều cho các cá nhân. Căn cứ vào mức độ ưa thích của mình, sự lựa chọn của mỗi cá nhân được thể hiện ở biểu 5-1 dưới đây.
Biểu 5-1. Lựa chọn của các cử tri
Lựa chọn | Cử tri 1 | Cử tri 2 | Cử tri 3 |
Ưu tiên 1 | A | C | B |
Ưu tiên 2 | B | B | C |
Ưu tiên 3 | C | A | A |
Biểu 5-1 cho thấy: mỗi cột cho biết các cá nhân xếp hạng các phương án chi tiêu của mình. Cách biểu quyết ở đây là sẽ chọn hai phương án chi tiêu bất kì cho đấu với nhau.
Phương án nào thắng sẽ được tiếp tục đấu với phương án còn lại, phương án thắng cử cuối cùng sẽ là phương án được lựa chọn. Cách biểu quyết như vậy còn gọi là biểu quyết đấu cặp.
Giả sử trước tiên, người ta lựa chọn giữa hai phương án A và B. Nhìn biểu 5-1 ta thấy: cử tri 1 bỏ phiếu cho phương án A, cử tri 2 và 3 bỏ phiếu cho phương án B. Vì thế, phương án B sẽ thắng với tỉ lệ phiếu 2/1.
Tương tự, nếu lựa chọn giữa phương án B và C thì phương án B vẫn thắng với tỉ lệ phiếu 2/1 vì cử tri 2 bỏ phiếu cho C, còn cử tri 1 và 3 lại bỏ phiếu cho B. Như vậy, phương án B là phương án được lựa chọn theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số.
Chú ý rằng B thắng hoàn toàn không phủ thuộc vào việc sắp xếp thứ tự bỏ phiếu giữa cặp phương án nào trước. Điều đó có nghĩa là, cho dù chọn B và C hay A và C cho đấu cặp trước thì kết cục cuối cùng vẫn không thay đổi.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Công cộng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)