Nguyên tắc nhất trí tuyệt đối trong kinh tế công cộng là gì?
Nguyên tắc nhất trí tuyệt đối
Định nghĩa
Nguyên tắc nhất trí tuyệt đối là một nguyên tắc qui định: một quyết định chỉ được thông qua khi và chỉ khi có sự thống nhất (đồng ý) của tất cả các thành viên trong một cộng đồng nào đó.
Hiểu về Nguyên tắc nhất trí tuyệt đối
Có nhiều nhà kinh tế, toán học đã mô hình hóa nguyên tắc nhất trí tuyệt đối, một trong số đó là nhà kinh tế học người Thụy Điển E. Lindahl (1919) và người ta gọi mô hình của ông là mô hình Lindahl.
Nội dung của mô hình Lindahl
Có hai cá nhân A và B cùng tiêu dùng một hàng hóa công cộng (HHCC) là giáo dục tiểu học. Gọi tA là giá thuế mà người A phải trả cho giáo dục tiểu học; tB là giá thuế của người B phải trả cho giáo dục tiểu học.
Vì chỉ có hai người tiêu dùng giáo dục nên tA + tB = 1. Điều này được minh họa bằng hình bên trên.
Trong hình vẽ này, trục hoành thể hiện số lượng dịch vụ giáo dục tiểu học, trục tung OO' mô tả giá thuế cho mỗi đơn vị dịch vụ giáo dục tiểu học.
Giá thuế của người A (tA) được tính từ gốc tọa độ O và giá thuế của người B (tB) được tính từ gốc tọa độ O'.
Đường DA biểu thị đường cầu của người A về dịch vụ giáo dục tiểu học xuất phát từ gốc O và đường DB biểu thị đường cầu của người B về hàng hóa này xuất phát từ gốc O'.
Cần nhắc lại một tính chất sử dụng hàng hóa công cộng là cả xã hội cùng tiêu dùng chung một lượng hàng hóa công cộng như nhau. Vì vậy, đòi hỏi nhất thiết phải đi đến một mức sản lượng được tất cả mọi người nhất trí thì mới đạt cân bằng giữa cung và cầu hàng hóa công cộng.
Thật vậy, nhìn vào hình trên ta nhận thấy:
Nếu tA > t* (hay tương tự là tB < 1-t*) thì người A sẽ lựa chọn lượng dịch vụ giáo dục tiểu học nhỏ hơn Q*, còn người B lựa chọn lượng giáo dục tiểu học lớn hơn Q* và ngược lại. Khi đó, hai cá nhân đều chưa nhất trí chung về một lượng dịch vụ giáo dục tiểu học cần được cung cấp.
Nhưng nếu tA của người A tăng dần cho đến t* và tB của người B giảm dần cho đến 1-t* thì cả hai cá nhân A và B đều nhất trí lựa chọn dịch vụ giáo dục tiểu học là Q*.
Ở đây, có một sự tương tự khá lớn giữa vai trò của giá thuế trong mô hình Lindahl với vai trò của giá cả thị trường đối với hàng hóa cá nhân. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng: nếu trong thị trường hàng hóa cá nhân, cả A và B cùng phải trả một giá như nhau thì ở đây, mỗi người trả giá thuế khác nhau, anh A trả giá thuế Ot*, anh B trả giá thuế O't*.
Giá thuế đó còn được gọi là giá Lindahl và cân bằng trong mô hình này còn gọi là cân bằng Lindahl.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)