Lí thuyết cân bằng tổng thể (General Equilibrium Theory) là gì?
Hình minh họa
Lí thuyết cân bằng tổng thể (General Equilibrium Theory)
Định nghĩa
Lí thuyết cân bằng tổng thể trong tiếng Anh là General Equilibrium Theory. Lí thuyết cân bằng tổng thể trong một số tài liệu gọi là lí thuyết cân bằng chung.
Lí thuyết cân bằng tổng thể, hay trạng thái cân bằng tổng thể của Walrasian, cố gắng giải thích toàn bộ hoạt động của kinh tế vĩ mô, thay vì tập hợp các hiện tượng thị trường riêng lẻ.
Đặc trưng của Lí thuyết cân bằng tổng thể
- Lí thuyết cân bằng tổng thể được phát triển đầu tiên bởi nhà kinh tế học người Pháp Leon Walras vào cuối thế kỉ 19. Lí thuyết cân bằng tổng thể trái ngược với Lí thuyết cân bằng một phần, hay trạng thái cân bằng một phần của Marshall, chỉ phân tích các thị trường hoặc lĩnh vực cụ thể.
- Walras đã phát triển Lí thuyết cân bằng tổng thể để giải quyết một vấn đề còn nhiều tranh cãi trong kinh tế học. Cho đến thời điểm đó, hầu hết các phân tích kinh tế chỉ chứng minh trạng thái cân bằng một phần, đó là mức giá mà tại đó cung và cầu cân bằng trên thị trường riêng lẻ. Lúc này, chưa một nhà khoa học nào có thể chứng mình trạng thái cân bằng có thể tồn tại cho tất cả các thị trường cùng một lúc.
- Lí thuyết cân bằng tổng thể đã cố gắng chỉ ra cách thức và lí do tại sao tất cả các thị trường tự do có xu hướng cân bằng trong dài hạn. Một thực tế quan trọng là thị trường không nhất thiết phải đạt đến trạng thái cân bằng, chỉ là chúng có xu hướng tiến về điểm cân bằng.
- Như Walras đã viết vào năm 1889, thị trường giống như một cái hồ bị gió khuấy động, nơi nước không ngừng tìm kiếm mực nước nhưng không bao giờ có thể chạm tới mực nước cân bằng.
Nội dung của Lí thuyết cân bằng tổng thể
Theo Leon Walras, trong cơ cấu nền kinh tế thị trường, có ba loại thị trường: thị trường hàng hóa, thị trường tư bản và thị trường lao động. Trong đó:
+ Thị trường hàng hóa (thị trường sản phẩm) là nơi mua bán hàng hóa, tương quan trao đổi giữa các loại hàng hóa là giá cả của chúng.
+ Thị trường tư bản là nơi hỏi và vay tư bản, lãi suất tư bản cho vay là giá tư bản.
+ Thị trường lao động là nơi thuê mướn công nhân, tiền lương hay tiền công là giá lao động.
- Ba thị trường này độc lập với nhau, song nhờ hoạt động của doanh nhân nên có quan hệ với nhau. Doanh nhân là người sản xuất hàng hóa để bán. Muốn sản xuất, doanh nhân phải vay vốn trên thị trường tư bản và thuê công nhân trên thị trường lao động, trên thị trường này doanh nhân là sức cầu.
- Sản xuất được hàng hóa doanh nhân mang bán nó trên thị trường hàng hóa, ở đây doanh nhân là sức cung. Để vay tư bản, doanh nhân phải trả lãi suất, để thuê công nhân doanh nhân phải trả tiền lương, lãi suất và tiền lương gọi là chi phí sản xuất.
- Nếu giá bán hàng hóa trên thị trường hàng hóa của doanh nhân cao hơn chi phí sản xuất thì anh ta sẽ có lãi, doanh nhân có xu hướng mở rộng sản xuất. Để mở rộng sản xuất, anh ta phải vay thêm tư bản, thuê thêm công nhân. Như vậy, sức cầu của doanh nhân tăng lên, làm cho giá cả tư bản và lao động tăng lên, tức là chi phí sản xuất tăng lên.
- Ngược lại, khi có thêm hàng hóa, doanh nhân sẽ tăng thêm sản phẩm trên thị trường, do đó giá cả hàng hóa trên thị trường này sẽ giảm xuống, dẫn đến thu nhập của doanh nhân bị giảm xuống.
- Khi thu nhập của những hàng hóa sản xuất tăng thêm giảm xuống ngang với chi phí sản xuất để sản xuất ra chúng, thì doanh nhân sẽ không có lời trong việc sản xuất thêm, nên không thuê thêm công nhân và không vay thêm tư bản nữa.
- Nhờ vậy, giá cả hàng hóa, lãi suất và tiền lương ổn định, từ đó làm cho giá hàng tiêu dùng ổn định. Ba thị trường đều đạt được trạng thái cân bằng. Ông gọi đây là sự cân bằng tổng thể giữa các thị trường.
(Tài liệu tham khảo: Investopedia; SlideShare)