|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lí thuyết tiền tệ (Monetary Theory) là gì? Đặc điểm cần lưu ý

10:03 | 16/01/2020
Chia sẻ
Lí thuyết tiền tệ (tiếng Anh: Monetary Theory) là lí thuyết dựa trên ý tưởng rằng sự thay đổi trong cung tiền là động lực chính của hoạt động kinh tế.
Lí thuyết tiền tệ (Monetary Theory) là gì? Đặc điểm Lí thuyết tiền tệ - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Underground.net

Lí thuyết tiền tệ

Khái niệm

Lí thuyết tiền tệ trong tiếng Anh là Monetary Theory hay Monetarist Theory.

Lí thuyết tiền tệ là lí thuyết dựa trên ý tưởng rằng sự thay đổi trong cung tiền là động lực chính của hoạt động kinh tế.

Lí thuyết tiền tệ lập luận rằng các ngân hàng trung ương có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng các sử dụng các đòn bẩy của chính sách tiền tệ.

Hay nói cách khác, bằng cách sửa đổi lượng tiền tệ và các công cụ thanh khoản khác lưu thông trong nền kinh tế của một quốc gia, chính phủ có thể kiểm soát tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Theo lí thuyết tiền tệ, nếu cung tiền của một quốc gia tăng, hoạt động kinh tế cũng sẽ tăng và ngược lại.

Công thức Lí thuyết tiền tệ

Công thức chi phối lí thuyết tiền tệ là:

M * V = P * Q

Trong đó:

- M đại diện cho cung tiền.

- V là vận tốc của tiền (số lần một đồng tiền được chi tiêu trung bình mỗi năm).

- P là giá của hàng hóa và dịch vụ.

- Q là số lượng hàng hóa và dịch vụ.

Giả sử V là hằng số thì khi M tăng, P hoặc Q tăng hoặc cả P và Q đều tăng.

Mức giá chung có xu hướng tăng nhiều hơn so với sản xuất hàng hóa và dịch vụ khi nền kinh tế gần với toàn dụng lao động.

Theo lí thuyết tiền tệ, khi có sự trì trệ trong nền kinh tế, Q sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn P.

Đặc điểm Lí thuyết tiền tệ

Ở nhiều nền kinh tế đang phát triển, lí thuyết tiền tệ được kiểm soát bởi chính phủ trung ương, cơ quan này cũng thực hiện hầu hết các quyết định chính sách tiền tệ.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là cơ quan đặt ra chính sách tiền tệ mà không bị chính phủ can thiệp.

Fed hoạt động dựa trên lí thuyết tiền tệ tập trung vào việc duy trì sự ổn định giá cả (hay duy trì lạm phát thấp), thúc đẩy toàn dụng lao động và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định.

Nền tảng của Fed là thị trường hoạt động tốt nhất khi nền kinh tế diễn ra thuận lợi, có giá cả ổn định và khả năng tiếp cận vốn đầy đủ cho các doanh nghiệp và cá nhân.

Phương pháp tiền tệ

Ngân hàng trung ương kiểm soát nguồn cung tiền của một quốc gia, thường thông qua ba đòn bẩy chính:

- Tỉ lệ dự trữ: là tỉ lệ số tiền dự trữ mà ngân hàng được ngân hàng trung ương yêu cầu giữ trên số tiền gửi tại ngân hàng đó.

Giảm tỉ lệ dự trữ cho phép các ngân hàng cho vay nhiều hơn, do đó làm tăng cung tiền.

- Tỉ lệ chiết khấu: là lãi suất mà ngân hàng trung ương tính cho các ngân hàng thương mại cần vay thêm dự trữ.

Giảm lãi suất chiết khấu sẽ khuyến khích các ngân hàng vay thêm từ ngân hàng trung ương và cho vay nhiều hơn, làm tăng số vốn trong nền kinh tế.

- Hoạt động thị trường mở (OMO): là các hoạt động mua và bán chứng khoán chính phủ. 

Việc mua chứng khoán được phát hành bởi các ngân hàng lớn làm tăng cung tiền trong khi bán chứng khoán làm giảm cung tiền trong nền kinh tế.

Lí thuyết tiền tệ và Lí thuyết tiền tệ hiện đại (MMT)

Các nguyên lí cốt lõi của lí thuyết tiền tệ cũng được thấy trong lí thuyết tiền tệ hiện đại (MMT) như sự tạo ra tiền và tiền tệ là công cụ kinh tế hữu ích.

Sự khác nhau giữa hai lí thuyết trên là lí thuyết tiền tệ hiện đại cho rằng can thiệp của chính phủ dẫn đến mất giá tiền tệ, lạm phát và hỗn loạn kinh tế.

Lí thuyết tiền tệ hiện đại (MMT) cho rằng các chính phủ không nên thắt chặt chi tiêu của họ để giải quyết sự kém hiệu quả trong nền kinh tế. Thay vào đó, MMT khuyến khích các chính phủ chi tiêu tự do, tăng thâm hụt để khắc phục các vấn đề kinh tế.

Nền tảng của MMT là các quốc gia là nhà phát hành duy nhất các loại tiền tệ của riêng họ, cho nên họ có quyền tự chủ hoàn toàn trong việc tăng cung tiền hoặc giảm cung tiền thông qua thuế.

Do không có giới hạn về số tiền có thể in, lí thuyết MMT cho rằng các quốc gia không thể vỡ nợ.

Các chỉ trích về Lí thuyết tiền tệ

Không phải tất cả các nhà kinh tế đều đồng ý rằng việc tăng số tiền trong lưu thông là giải pháp đúng đắn.

Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng hành vi đó có thể dẫn đến việc thiếu kỉ luật trong nền kinh tế và nếu không được quản lí đúng cách, sẽ dẫn đến lạm phát tăng đột biến, làm xói mòn giá trị của tiết kiệm, cuối cùng gây ra sự không chắc chắn khiến các công ty e ngại đầu tư và nhiều hậu quả khác.

Quan điểm của lí thuyết tiền tệ cho rằng thuế có thể khắc phục những vấn đề này cũng bị chỉ trích.

Việc lấy thêm tiền thuế từ tiền lương là một chính sách không phù hợp, đặc biệt là khi giá cả tăng lên. Các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng thuế cao hơn sẽ kết thúc tình trạng thất nghiệp gia tăng hơn, dẫn đến nền kinh tế càng kém hiệu quả.

Nhật Bản là một ví dụ điển hình cho các quan điểm trên, quốc gia này đã bị thâm hụt tài khóa trong nhiều thập kỉ dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau trong đó có tăng trưởng GDP bị trì trệ.

Các nhà kinh tế cho rằng chi tiêu thâm hụt liên tục đã khiến nhiều người dân mất việc và mất động lực làm việc để thúc đẩy tăng trưởng GDP.

(Theo Investopedia)

Lê Thảo