|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nguyên tắc phân tán rủi ro trong bảo hiểm là gì?

18:11 | 30/11/2019
Chia sẻ
Nguyên tắc phân tán rủi ro trong bảo hiểm được áp dụng thông qua việc thực hiện các kĩ thuật như giới hạn số tiền bảo hiểm tối đa cho các đối tượng bảo hiểm, đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.
Public fund (1)

Nguyên tắc phân tán rủi ro

Định nghĩa

Phân tán rủi ro hay phân chia rủi ro thuật mà người bảo hiểm sử dụng trong những trường hợp cần thiết nhằm tránh khả năng phải tự mình gánh chịu một tổn thất quá lớn, tránh trường hợp không đủ khả năng thanh toán trong một năm kinh doanh xấu, nhiều tổn thất lớn, liên tiếp xảy ra hoặc tránh trường hợp tích tụ rủi ro trong cùng một sự cố.

Ý nghĩa của nguyên tắc phân tán rủi ro trong bảo hiểm

- Một trong những đặc tính của rủi ro có thể được bảo hiểm đó là tổn thất không tạo ra một thảm họa tài chính (Catastrophic) cho công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm không được tập trung vào một hay một số hợp đồng và đối tượng bảo hiểm với số tiền bảo hiểm quá lớn.

- Nếu không khi có những rủi ro này xảy ra công ty bảo hiểm không thể thực hiện trách nhiệm bồi thường hoặc việc bồi thường có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của công ty bảo hiểm.

- Công ty bảo hiểm có thể thực hiện việc phân tán rủi ro bằng các kĩ thuật như: giới hạn số tiền bảo hiểm tối đa cho các đối tượng bảo hiểm, đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm. Trong đó, kĩ thuật đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm là phổ biến hơn cả.

Một số kĩ thuật phân tán rủi ro

Giới hạn số tiền bảo hiểm tối đa (Retention limit)

- Kĩ thuật này thường áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trong đó các công ty bảo hiểm sẽ qui định số tiền bảo hiểm tối đa trên hợp đồng.

- Công ty qui định số tiền bảo hiểm tối đa dựa trên qui mô và tiềm lực tài chính của mình, tránh việc bồi thường thường một hợp đồng nào đó có thể làm ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của công ty. Công ty có thể từ chối các yêu cầu bảo hiểm lớn hơn số tối đa này.

- Để tránh các rủi ro lớn, ngoài việc giới hạn số tiền bảo hiểm tối đa, các công ty bảo hiểm cần phải đảm bảo rằng các rủi ro và tổn thất là hoàn toàn độc lập không có liên quan với nhau.

Việc chấp nhận bảo hiểm nhân thọ và tai nạn nhiều khách hàng là nhân viên làm việc trong cùng một tòa nhà, nhận bảo hiểm cháy cho nhiều ngôi nhà liền kề... có thể là ví dụ của những tổn thất có liên quan với nhau.

Tái bảo hiểm (Reinsurance)

- Tái bảo hiểm là hoạt động theo đó công ty bảo hiểm nhận một khoản phí bảo hiểm của công ty bảo hiểm khác để cam kết bồi thường cho các trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.

Theo luật Kinh doanh Bảo hiểm ở Việt Nam năm 2010, công ty bảo hiểm có thể tái bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm khác, kể cả công ty bảo hiểm ở nước ngoài.

- Hoạt động tái bảo hiểm là hình thức chuyển giao một phần hay toàn bộ rủi ro từ công ty bảo hiểm gốc (bên nhượng tái bảo hiểm) sang cho công ty nhận tái bảo hiểm.

Khi xảy ra tổn thất theo hợp đồng bảo hiểm gốc, công ty nhượng tái bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm và sau đó có quyền yêu cầu các công ty nhận tái bảo hiểm bồi thường lại phần trách nhiệm đã được tái bảo hiểm.

- Hoạt động tái bảo hiểm giúp các công ty có thể dẫn trải các rủi ro lớn, tránh các vụ bồi thường có thể gây tổn thất lớn cho công ty từ đó giảm rủi ro và tăng tính ổn định cho công ty. Hoạt động này còn giúp các công ty gia tăng năng lực khai thác bảo hiểm, tăng thu nhập từ hoa hồng tái bảo hiểm và tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các công ty.

Đồng bảo hiểm (Co-Insurance)

- Đồng bảo hiểm là việc nhiều công ty bảo hiểm khác nhau cùng tham gia bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm và với cùng một sự kiện bảo hiểm. Đồng bảo hiểm thường áp dụng với các trường hợp các tài sản và trách nhiệm có giá trị lớn, trách nhiệm bồi thường quá lớn so với khả năng của một công ty.

- Khác với trường hợp bảo hiểm trùng, trong đồng bảo hiểm, các công ty bảo hiểm có sự cân đối và thỏa thuận, tổng số tiền bảo hiểm vẫn nhỏ hơn so với giá trị tài sản. Đây cũng là một phương pháp giúp các công ty bảo hiểm cho thể giàn trải rủi ro và chia sẻ rủi ro của một hợp đồng với nhiều công ty khác mà vẫn không mất đi khách hàng.

- Khác với tái bảo hiểm, về mặt pháp lí nghĩa vụ của từng công ty bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm là độc lập nhau. Khi tổn thất xảy ra người được bảo hiểm phải yêu cầu từng công ty bảo hiểm bồi thường.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, NXB Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; Course Hero)

Minh Lan