Người dùng hoạt động hàng ngày (Daily Active Users - DAU) là gì?
Người dùng hoạt động hàng ngày
Khái niệm
Người dùng hoạt động hàng ngày trong tiếng Anh là Daily Active Users hoặc Daily Active User, viết tắt là DAU.
Người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) là thuật ngữ chỉ tổng số người truy cập và tương tác với một ứng dụng di động hoặc một sản phẩm web trong một ngày.
DAU có thể mang đến nhiều thông tin, đo lường tốc độ tăng trưởng của một sản phẩm hoặc tiết lộ xu hướng, và thậm chí biểu thị hành vi của người dùng.
Tuy nhiên DAU cũng có thể trở thành một con số vô nghĩa, và nhiều công ty thích báo cáo dữ liệu DAU ấn tượng mà có thể không có tác động thực sự đến thành công của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp cần phải chú ý tới DAU, luôn nhắm đến việc tăng trưởng nó, và phải có cách tính và theo dõi DAU rõ ràng.
Xác định DAU
Thuật ngữ "người dùng hoạt động" nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng thực tế có thể sẽ rất khó để xác định nó. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải thiết lập một định nghĩa về DAU cho chính mình tùy theo các mục tiêu của họ.
Ví dụ, liệu "người dùng hoạt động" chỉ cần là những người đã đăng nhập vào trang web hoặc ứng dụng của doanh nghiệp, hay họ phải chia sẻ một nào dung hoặc thực hiện một hành động nào đó?
Doanh nghiệp có thể tự sử dụng tiêu chuẩn của riêng mình khi phân loại "người dùng hoạt động", nhưng họ cần phải tuân thủ và nhất quán theo định nghĩa đó khi đo lường dữ liệu DAU.
Vai trò của DAU
Mọi công ty hoạt động theo mô hình SaaS đều nhắm đến cùng một mục tiêu: tạo ra một cơ sở người dùng vững chắc, bền vững. Việc đo lưu lượng truy cập hàng ngày của ứng dụng hoặc trang web sẽ mang lại một kiểu nhận thức về số lượng người đang xem xét sản phẩm của doanh nghiệp.
Mỗi người dùng hoạt động trên nền tảng của doanh nghiệp là một khách hàng tiềm năng. Giữ chân và phục vụ những khách hàng đó là chìa khóa cho sự thành công của doanh nghiệp. Theo dõi DAU cho doanh nghiệp biết có bao nhiêu người đang tìm kiếm dịch vụ của họ, nhưng doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để thu hút những người đó tiếp tục quay lại.
Khi doanh nghiệp thiết lập được một cơ sở để tính DAU, nó có thể trở thành một tiêu chuẩn tốt để đánh giá công việc cần giải quyết. Nhưng cần phải ghi nhớ rằng DAU không phải là con số duy nhất doanh nghiệp nên dùng để đánh giá sự phát triển.
Lưu ý về DAU
Giả sử một doanh nghiệp X hoạt động theo mô hình SaaS được thiết kế để cho phép người dùng chia sẻ nội dung. Nếu DAU của doanh nghiệp đó chỉ đo lường người dùng đã đăng nhập mà không tính đến liệu họ có chia sẻ nội dung không, thì dữ liệu DAU có thể cho thấy số lượng đăng nhập của trang web đã tăng, nhưng thực tế là không có ai chia sẻ bất cứ nội dung gì. Và nếu người dùng không chia sẻ bất cứ điều gì, doanh nghiệp không thể giữ chân được họ.
Ngoài ra, vì cách xác định "người dùng hoạt động" giữa các công ty là khác nhau, nên doanh nghiệp không nên so sánh các con số thống kê một cách máy móc.
Ví dụ, Facebook đo lường người dùng hoạt động bao gồm những người thực hiện bất kì hoạt động tương tác nào, bằng cách "thích, chia sẻ, nhận xét, nhắn tin hoặc nhấn vào liên kết khác".
Điều này có thể có nghĩa là người dùng đã nhấp vào "thích" trong phần bình luận của bài viết trực tuyến ở đâu đó; nhưng không có nghĩa là anh ta/ cô ta đã đăng nhập vào tài khoản của mình.
Trong khi đó, một công ty khác có thể phân loại "người dùng hoạt động" là những người đã đăng nhập vào trang web của họ. Do đó việc so sánh DAU của Facebook và công ty này sẽ không mang lại lợi ích gì.
(Tham khảo: Daily Active User (DAU), baremetrics.com; Monthly Active Users (MAU), investopedia.com)