Mục tiêu kinh tế (Economic Targeting) của chính sách tiền tệ là gì?
Hình minh họa (Nguồn: Pinterest)
Mục tiêu kinh tế (Economic Targeting)
Mục tiêu kinh tế - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Economic Targeting.
Mục tiêu chính sách tiền tệ là mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương hoạch định phải đạt được trong suốt quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Thông thường chính sách tiền tệ có hai loại mục tiêu chính: mục tiêu tiền tệ và mục tiêu kinh tế.
Mục tiêu kinh tế của chính sách tiền tệ là hệ thống các mục tiêu cuối cùng mà nền kinh tế phải đạt được nhờ việc áp dụng chính sách tiền tệ đem lại. Đó là các mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế; tăng mức nhân dụng và giảm thiểu những thăng trầm của chu kì kinh tế. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)
Các mục tiêu kinh tế của chính sách tiền tệ
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Khi nghiên cứu kinh tế học, các nhà kinh tế đều nghiên cứu vai trò và tác động của tiền tệ đối với sự tăng trưởng kinh tế. Về chi tiết, tuy còn nhiều quan điểm khác nhau, nhưng nhìn chung họ vẫn xác định quan điểm chung về vai trò và tác động của khối tiền tệ đến sự tăng trưởng kinh tế thông qua hai yếu tố: lãi suất và số cầu tổng quát.
Khối tiền tệ tăng hay giảm đều có tác động mạnh đến lãi suất và số cầu tổng quát, từ đó tác động đến sự gia tăng đầu tư sản xuất, và cuối cùng là tác động lên tổng sản lượng quốc gia, tức tác động lên sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Bởi vậy, chính sách tiền tệ phải nhằm vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng hay giảm khối tiền tệ thích hợp.
Mục tiêu tăng mức nhân dụng
Thật ra mục tiêu này đi đôi với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Vì khi gia tăng đầu tư sản xuất và gia tăng sản xuất thì các xí nghiệp cần tuyển thêm nhiều nhân công. Để đạt mục tiêu này, chính sách tiền tệ phải nhằm vào việc mở rộng và gia tăng khối tiền tệ, để vừa làm cho sức tiêu thụ tăng lên, vừa làm cho nhà sản xuất mở rộng đầu tư nhằm thu hút thêm nhân công.
Mục tiêu giảm thiểu những thăng trầm của chu kì kinh tế
Trong kinh tế thị trường, sự phát triển kinh tế thường biến chuyển qua nhiều giai đoạn mang tính chất chu kì, có lúc tăng trưởng, có lúc ngừng trệ và có lúc suy thoái.
Những thăng trầm mang tính chất chu kì đó có thể giảm bớt về cường độ hoặc rút ngắn về thời gian nhờ vào một chính sách tiền tệ thích hợp. Cụ thể:
- Mở rộng khối tiền tệ trong giai đoạn suy thoái để sớm chuyển sang giai đoạn phục hưng.
- Tiết chế khối tiền tệ để vừa chống lạm phát, vừa không xảy ra tình trạng ngưng trệ.
- Sớm chuyển sang giai đoạn tăng trưởng kinh tế với một tỉ lệ lạm phát có thể chấp nhận được. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)