|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước là gì? Các hình thức phổ biến

17:56 | 31/10/2019
Chia sẻ
Liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước là sự liên kết của các quốc gia thông qua hiệp định kí kết của Chính phủ nhằm phối hợp và điều chỉnh quan hệ kinh tế giữa các thanh viên tham gia.
Liên kết kinh tế quốc tế nhà nước

Hình minh họa

Liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước

Định nghĩa

Liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước là sự liên kết của các quốc gia thông qua hiệp định kí kết của Chính phủ nhằm phối hợp và điều chỉnh quan hệ kinh tế giữa các thanh viên tham gia.

Ý nghĩa

- Liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước ra đời để đáp ứng yêu cầu phân công lao động quốc tế ngày càng cao, có hiệu quả giữa các quốc gia để khai thác lợi thế và khắc phục hạn chế.

- Mặt khác, đây là sự cần thiết cho việc bảo hộ thị trường kinh doanh trong và ngoài nước của các thành viên nhằm đạt được lợi ích kinh tế cao hơn cho các thành viên và tăng sức cạnh tranh cho mỗi thành viên, cho cả khối liên kết trong nền kinh tế thế giới.

- Liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và rất phong phú, đa dạng.

Các hình thức liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước

Trong quá trình nghiên cứu, có thể phân chia các hình thức liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước theo các tiêu thức khác nhau. Nếu căn cứ vào đối tượng và nội dung của liên kết thì liên kết kinh tế quốc tế Nhà nước gồm có các hình thức:

(1) Khu vực mậu dịch tự do (FTA - Free Trade Area)

Khu vực mậu dịch tự do là hình thức liên kết kinh tế giữa hai hay nhiều nước, trong đó áp dụng các biện pháp tiến tới xóa bỏ thuế quan và rào cản phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ trong quan hệ buôn bán giữa các nước thành viên nhằm hình thành thị trường thống nhất về hàng hóa dịch vụ.

(2) Liên minh thuế quan (Custom Union - CU)

Liên minh thuế quan là một hiệp định thương mại mà một nhóm các quốc gia áp dụng một biểu thuế quan chung cho phần còn lại của thế giới trong khi trao quyền tự do thương mại cho nhau.

(3) Thị trường chung (Common Market)

Thị trường chung là hình thức liên kết kinh tế giữa các nước áp dụng các biện pháp tương tự như liên minh thuế quan trong quan hệ thương mại và còn cho phép di chuyển tự do tư bản, lao động giữa các thành viên.

(4) Liên minh kinh tế (Economic union) 

Liên minh kinh tế là một cấp độ trong hội nhập kinh tế, có hiệu quả làm giảm các rào cản thương mại quốc tế nhằm tự do hóa các yếu tố sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên mục tiêu chung của các quốc gia thành viên.

(5) Liên minh tiền tệ (Monetary Union, viết tắt: MU) 

Liên minh tiền tệ là hình thức liên kết kinh tế về lĩnh vực tài chính, tiền tệ mà trong đó các nước thành viên áp dụng các biện pháp nhằm tiến tới việc phát hành và sử dụng một đồng tiền chung.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)

Minh Lan