Rào cản thương mại (Trade barriers) là gì? Các loại rào cản thương mại phổ biến
Hình minh họa. Nguồn: almahmoudm.wordpress
Rào cản thương mại (Trade barriers)
Định nghĩa
Rào cản thương mại trong tiếng Anh là Trade barriers. Rào cản thương mại là những hạn chế đối với thương mại quốc tế do Chính phủ áp đặt.
Rào cản thương mại được thiết lập để áp thêm chi phí hoặc giới hạn đối với hàng nhập khẩu hay xuất khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước. Những chi phí bổ sung hoặc sự khan hiếm tăng dẫn đến giá sản phẩm nhập khẩu cao hơn và do đó làm cho hàng hóa và dịch vụ trong nước cạnh tranh hơn.
Các loại rào cản thương mại phổ biến
Có ba loại rào cản thương mại phổ biến: thuế quan, hàng rào phi thuế quan và hạn ngạch.
(1) Thuế quan (Tariffs)
- Thuế quan là thuế đánh vào hàng hóa khi di chuyển qua cửa khẩu của một quốc gia. Thuế quan là một công cụ tài chính được nhà nước sử dụng để:
- Điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu hoặc bảo hộ sản xuất trong nước.
Thuế quan là một bộ phận cấu thành của giá cả hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Giá cả hàng hóa thấp hoặc cao có ảnh hưởng đến sức mua của thị trường và đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Để khuyến khích (tăng qui mô) xuất, nhập khẩu, Nhà nước áp dụng mức thuế quan thấp; ngược lại, để hạn chế (giảm qui mô) xuất, nhập khẩu Nhà nước áp dụng mức thuế quan cao.
- Là một nguồn thu quan trọng trong ngân sách nhà nước.
- Là công cụ để phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại và gây áp lực với bạn hàng trong quá trình đàm phán.
(2) Hàng rào phi thuế quan (Non-tariff barriers)
Hàng rào phi thuế quan là những rào cản hạn chế thương mại thông qua các biện pháp khác ngoài việc áp thuế trực tiếp.
Hàng rào phi thuế quan có thể bao gồm các biện pháp như yêu cầu về nội dung và chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc trợ cấp cho các nhà sản xuất trong nước.
(3) Hạn ngạch (Quota)
Hạn ngạch là giới hạn tối đa về khối lượng (hoặc giá trị) hàng hóa được phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu trong một thời kì (thường là một năm).
Hạn ngạch là biện pháp quản lí của nhà nước qui định trực tiếp lượng hàng hoá được phép nhập khẩu hoặc xuất khẩu nhằm thực hiện mục tiêu bảo hộ.
(Tài liệu tham khảo: The Three Types of Trade Barriers, Quickonomics, Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Tài chính)