|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kiểm toán nguồn vốn (Capital audit) là gì?

10:54 | 17/09/2019
Chia sẻ
Kiểm toán nguồn vốn (tiếng Anh: Capital audit) là việc kiểm tra tính trung thực và hợp lí của các khoản mục liên quan đến nguồn vốn trên Báo cáo tài chính của một đơn vị.
857257-audit-forensic-istock-022619

Hình minh họa. Nguồn: dnaindia.com

Kiểm toán nguồn vốn (Capital audit)

Kiểm toán nguồn vốn trong tiếng Anh là Capital audit.

Kiểm toán nguồn vốn là việc kiểm tra tính trung thực và hợp lí của các khoản mục liên quan đến nguồn vốn trên Báo cáo tài chính của một đơn vị.

Khái niệm nguồn vốn (gọi tắt là vốn) thường được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh với ý nghĩa là nguồn hình thành các loại tài sản.

Nguồn vốn gồm:

– Vốn chủ sở hữu

– Vốn vay nợ (nợ phải trả)

Đặc điểm của chu trình tiếp nhận và hoàn trả vốn

- Vốn là một khái niệm trừu tượng phản ánh quan hệ kinh tế trong đầu tư, kinh doanh và phân phối

- Các quan hệ về vốn chứa đựng những quan hệ pháp lí phức tạp

- Trong mỗi kì kế toán, số lượng các nghiệp vụ ảnh hưởng đến số dư tài khoản hay khoản mục về vốn không nhiều nhưng thường có qui mô lớn

- Vốn trong các doanh nghiệp gắn liền với hình thức sở hữu, với trách nhiệm và quyền hạn pháp lí, với qui mô và loại hình kinh doanh của mỗi doanh nghiệp

Các khả năng sai phạm của kế toán vốn

- Các sai sót số học trong việc theo dõi chi tiết và tổng hợp các nguồn vốn (Công nợ và Nguồn vốn chủ sở hữu)

- Ghi khống các khoản vốn đóng góp nhằm đảm bảo các qui định của pháp luật về vốn điều lệ

- Chi phí trong việc vay vốn: Chi phí trong kì và chi phí được vốn hóa; chi phí đi vay và vấn đề chi phí hợp lí

- Để ngoài sổ sách các khoản nợ phải trả

Do đó, việc bỏ sót 1 nghiệp vụ về vốn riêng biệt có giá trị lớn sẽ có ảnh hưởng trọng yếu đến giá trị các khoản mục về vốn và số tổng cộng của bảng cân đối tài sản.

Các nguyên tắc kiểm soát nội bộ

- Thực hiện nguyên tắc uỷ quyền và phê chuẩn khi xét duyệt các khoản vay, từng nghiêp vụ tiếp nhận vốn hoặc hoàn trả vốn

- Có hệ thống sổ chi tiết từng khoản nợ vay, theo từng chủ nợ; định kì đối chiếu với sổ cái và chủ nợ

- Bảo đảm ghi chép sổ sách và tách biệt nghiệp vụ ghi sổ với nghiệp vụ thu nhận tiền vốn; kết hợp theo dõi trên cả sổ cái và sổ chi tiết

- Tổ chức xác minh độc lập các thông tin ghi trên sổ sách về vốn, đặc biệt là thông tin tính toán chi trả lợi tức cổ phiếu, chi trả lãi vay...

Nguồn số liệu để kiểm toán

- Hồ sơ đăng kí kinh doanh, hồ sơ góp vốn của đơn vị

- Các hợp đồng vay vốn

- Các chứng từ ghi nhận việc tiếp nhận và hoàn trả vốn

- Các sổ sách theo dõi chi tiết và tổng hợp của các tài khoản về vốn, bao gồm nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu

- Các kế hoạch kinh doanh và huy động vốn của doanh nghiệp

(Nguồn tham khảo: Bài giảng Kiểm toán tài chính, HV Công nghệ bưu chính viễn thông)

Tuệ Thi