|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Kết luận kiểm toán (Audit conclusions) là gì? Các loại kết luận

19:42 | 13/09/2019
Chia sẻ
Kết luận kiểm toán (tiếng Anh: Audit conclusions) là sự khái quát kết quả thực hiện các chức năng kiểm toán trong từng cuộc kiểm toán cụ thể.
00326-st

Hình minh hoạ (Nguồn: cpacanada)

Kết luận kiểm toán

Khái niệm

Kết luận kiểm toán trong tiếng Anh được gọi là audit conclusions.

Kết luận kiểm toán là sự khái quát kết quả thực hiện các chức năng kiểm toán trong từng cuộc kiểm toán cụ thể. Vì vậy để kết luận kiểm toán phải bảo đảm yêu cầu cả về nội dung cũng như tính pháp lí.

Yếu tố cần đảm bảo

Về nội dung

Kết luận kiểm toán phải phù hợp và đầy đủ

- Sự phù hợp của kết luận kiểm toán là sự nhất quán giữa kết luận nêu ra với mục tiêu kiểm toán (đã nêu trong kế hoạch hoặc hợp đồng hay lệnh kiểm toán).

- Sự đầy đủ của kết luận kiểm toán tức là kết luận kiểm toán phải bao hàm toàn bộ yêu cầu, phạm vi kiểm toán đã xác định và được điều chỉnh (nếu có).

Mọi khía cạnh khác nhau về nội dung đã xác định trong yêu cầu và mọi bộ phận thuộc phạm vi kiểm toán đã nêu trong kế hoạch kiểm toán hoặc được điều chỉnh (nếu có) đều phải được bao hàm trong kết luận kiểm toán.

Tính pháp lí 

Tính pháp lí của kết luận trước hết đòi hỏi những bằng chứng tương xứng theo yêu cầu của các qui chế, chuẩn mực và luật pháp.

Đồng thời, tính pháp lí này cũng đòi hỏi các kết luận phải chuẩn xác trong từ ngữ và văn phạm. Chẳng hạn, kết luận kiểm toán không được dùng các cụm từ "nói chung là..." "tương đối là...".

Các loại kết luận

Hiện nay trong kiểm toán tài chính, kết luận kiểm toán được chia thành 2 nhóm: ý kiến chấp nhận toàn phần và ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần (gồm ý kiến kiểm toán ngoại trừ, ý kiến kiểm toán trái ngược, và ý kiến từ chối).

- Ý kiến chấp nhận toàn phần: Là ý kiến được đưa ra khi kiểm toán viên kết luận rằng báo cáo tài chính đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.

- Ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần

+ Ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Kiểm toán viên phải trình bày "ý kiến kiểm toán ngoại trừ" khi:

Dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

Hoặc

Kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

+ Ý kiến kiểm toán trái ngược

Kiểm toán viên phải trình bày "ý kiến kiểm toán trái ngược" khi dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

+ Từ chối đưa ra ý kiến

Kiểm toán viên phải từ chối đưa ra ý kiến khi kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

Hình thức thể hiện kết luận

Báo cáo hoặc biên bản kiểm toán là hình thức biểu hiện các chức năng kiểm toán và thể hiện kết luận kiểm toán.

Biên bản kiểm toán thường được sử dụng trong kiểm toán nội bộ hoặc trong từng phần kiểm toán báo cáo tài chính (biên bản kiểm tra tài sản, biên bản xác minh tài liệu hay sự việc...).

Báo cáo kiểm toán là hình thức biểu hiện chức năng xác minh và bày tỏ ý kiến về báo cáo tài chính được kiểm toán phục vụ yêu cầu của những người quan tâm cụ thể.

Kèm theo báo cáo kiểm toán có thể có "Thư quản lí" gửi cho người quản lí để nêu lên những kiến nghị của kiểm toán viên trong công tác quản lí.

(Tài liệu tham khảo: Tổ chức kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.