Đối chiếu logic là gì? Nội dung
Hình minh hoạ (Nguồn: adweek)
Đối chiếu logic
Khái niệm
Đối chiếu logic là đối chiếu trị số của các chỉ tiêu có quan hệ với nhau theo xu hướng nhất định hay tỉ lệ nhất định.
Nói cách khác đây là việc xem xét mức biến động tương ứng về trị số của các chỉ tiêu có quan hệ kinh tế trực tiếp song có thể có mức biến động khác nhau và có thể theo hướng khác nhau.
Cơ sở hình thành phương pháp
Dựa vào mối quan hệ giữa các mặt đối lập như giữa tài sản và nguồn vốn, giữa thu và chi...
Dựa vào các quan hệ giữa các tài liệu, chứng từ, sổ sách trong kế toán
Nội dung
Các đối chiếu logic tập trung vào
- Phân tích về xu hướng của các nghiệp vụ, các khoản mục
Đây là quá trình phân tích những thay đổi của một số dư tài khoản nhất định hoặc một loại nghiệp vụ giữa kì hiện tại và những kì trước hoặc trong suốt một vài kì kế toán.
Dựa trên sự hiểu biết về yếu tố tạo ra xu hướng của số dư tài khoản và loại hình nghiệp vụ, ta có thể tính toán được giá trị dự toán của năm hiện tại dựa trên xu hướng năm trước và dựa trên sự hiểu biết về các nghiệp vụ của khách hàng.
Có thể dự đoán:
+ Doanh thu dựa trên xu hướng doanh thu những năm trước đây
+ Thu nhập đầu tư dựa trên xu hướng giá trị đầu tư
+ Lãi gộp dựa trên xu hướng của tổng hợp các sản phẩm bán ra
Ví dụ: Các nghiệp vụ về tài sản cố định: khi tăng tài sản cố định thì có thể do một trong các trường hợp sau:
Vốn bằng tiền giảm: do mua tài sản cố định
Vốn kinh doanh tăng: tài sản cố định được biếu tặng
Nguồn vốn xây dựng cơ bản giảm: do xây dựng cơ bản hoàn thành
Nợ dài hạn tăng: vay tiền mua tài sản cố định
- Phân tích tỉ suất: nhằm đánh giá sự tương quan giữa các khoản mục với nhau và tính trọng yếu cũng như khả năng tài chính hoặc tính hợp lí của bản thân tỉ suất.
Nếu phát sinh mâu thuẫn thì kiểm toán viên phải kiểm tra các phát sinh trên các chứng từ và kiểm tra từng nghiệp vụ một.
Chẳng hạn:
+ Tỉ suất giữa loại hình nghiệp vụ với số dư tài khoản: Tỉ suất giữa chi phí khấu hao với tổng tài sản chịu khấu hao hoặc chi phí sửa chữa và bảo dưỡng đối với nhà xưởng, máy móc thiết bị liên quan.
+ Tỉ suất giữa loại nghiệp vụ này với loại nghiệp vụ khác: giữa lợi nhuận bán hàng và chiết khấu bán hàng so với tổng doanh thu.
+ Tỉ suất giữa số dư tài khoản này với số dư tài khoản khác: giữa dự phòng giảm giá hàng tồn kho với tổng giá trị hàng tồn kho; giữa hàng tồn kho với tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, hoặc các khoản phải thu...; giữa tài sản cố định với vay dài hạn, phải trả nhà cung cấp hoặc chi phí xây lắp...
+ Tỉ suất giữa dữ liệu tài chính so với dữ liệu hoạt động: giữa số hàng hóa bán ra với diện tích bán hàng của công ty bán lẻ; giữa chi phí nhân công với tổng số nhân viên hoặc tổng số giờ lao động hao phí...
+ Các tỉ suất phân tích kinh doanh khác như tỉ suất khả năng thanh toán, tỉ suất lợi nhuận, tỉ suất cấu trúc tài chính... để suy ra tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của đơn vị kiểm tra.
Kết luận: Phương pháp đối chiếu lôgic được sử dụng rộng rãi, phổ biến trong thực tế để xem xét khái quát các mối quan hệ kinh tế – tài chính để trên cơ sở đó định hướng cho việc kiểm toán khi phát hiện ra những mâu thuẫn trong mức và xu hướng biến động của các chỉ tiêu có liên quan.
(Tài liệu tham khảo: Đối tượng và phương pháp kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)