|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chuẩn bị kiểm toán (Audit preparation) là gì? Qui trình thực hiện

18:27 | 13/09/2019
Chia sẻ
Chuẩn bị kiểm toán (tiếng Anh: Audit preparation) là bước công việc đầu tiên của tổ chức công tác kiểm toán nhằm tạo ra tất cả tiền đề và điều kiện cụ thể trước khi thực hành kiểm toán.
141098_7c30b61a57fb87e649c5e0446450

Hình minh hoạ (Nguồn: norma)

Chuẩn bị kiểm toán

Khái niệm

Chuẩn bị kiểm toán trong tiếng Anh được gọi là audit preparation.

Chuẩn bị kiểm toán là bước công việc đầu tiên của tổ chức công tác kiểm toán nhằm tạo ra tất cả tiền đề và điều kiện cụ thể trước khi thực hành kiểm toán. Đây là công việc có ý nghĩa quyết định chất lượng kiểm toán.

Qui trình thực hiện

Tùy thuộc vào loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ...), đối tượng kiểm toán (có thể là tài sản cá nhân, tài sản của nhà nước, các dự án, các nghiệp vụ...) khác nhau mà việc chuẩn bị sẵn sàng về điều kiện tiền đề và điều kiện cơ sở vật chất cụ thể có những điểm khác biệt.

Có thể qui về một số công việc cần thiết cần thực hiện như sau

- Xác định mục tiêu, phạm vi kiểm toán

Mục tiêu kiểm toán là đích cần đạt tới đồng thời là thước đo kết quả kiểm toán cho mỗi cuộc kiểm toán cụ thể. Mục tiêu chung của kiểm toán phải gắn chặt với mục tiêu, yêu cầu của quản lí. 

Vì vậy, trước hết mục tiêu của kiểm toán phải tùy thuộc vào quan hệ giữa chủ thể với khách thể kiểm toán, tùy thuộc vào loại hình kiểm toán.

Phạm vi kiểm toán là sự giới hạn về không gian và thời gian của đối tượng kiểm toán. Phạm vi kiểm toán thường được xác định đồng thời với mục tiêu kiểm toán và là một hướng cụ thể hóa mục tiêu này.

- Chỉ định người phụ trách công việc kiểm toán và chuẩn bị các điều kiện vật chất cơ bản

Tùy mục tiêu và phạm vi kiểm toán, cần chỉ định trước người chủ trì cuộc kiểm toán sẽ tiến hành lần này.

Cùng với việc chỉ định con người, cần chuẩn bị các thiết bị và điều kiện vật chất các khác kèm theo.

- Thu thập thông tin

Để có thể xây dựng được kế hoạch kiểm toán phù hợp và khả thi với mục tiêu và phạm vi kiểm toán đã được xác định thì Kiểm toán viên phải có đầy đủ hiểu biết về khách thể kiểm toán. 

Những hiểu biết này sẽ giúp Kiểm toán viên hoạch định các thủ tục kiểm toán phù hợp với đặc điểm của đơn vị, nhất là giúp cho Kiểm toán viên khoanh vùng những vấn đề có rủi ro cao để có những phương pháp kiểm toán phù hợp.

- Lập kế hoạch kiểm toán

Cũng như các kế hoạch khác, lập kế hoạch kiểm toán là quá trình cân đối tích cực giữa nhu cầu và nguồn lực đã có. 

Kế hoạch kiểm toán phải được lập một cách thích hợp nhằm đảm bảo bao quát hết các khía cạnh quan trọng của cuộc kiểm toán, phát hiện được toàn bộ gian lận, rủi ro và những vấn đề tiềm ẩn. 

Mục tiêu chính của tổ chức kiểm toán và Kiểm toán viên trong lập kế hoạch kiểm toán là đảm bảo cuộc kiểm toán được tiến hành một cách chủ động và có hiệu quả.

- Xây dựng chương trình kiểm toán

Sau khi hoàn thành kế hoạch kiểm toán tổng quát, chương trình kiểm toán cần được xây dựng để đưa ra hướng giải quyết các vấn đề đã được xác định ở kế hoạch này trên cơ sở đảm bảo đạt được mục đích của cuộc kiểm toán thông qua việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Kiểm toán viên.

(Tài liệu tham khảo: Tổ chức kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi